LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
5
1
7
8
1
TIN TỨC SỰ KIỆN 07 Tháng Hai 2013 3:00:00 CH

Nền nông nghiệp Củ Chi từng bước phát triển bền vững

Không khí ấm áp của những ngày giáp tết dường như xóa tan mọi bộn bề lo toan của cuộc sống. Xuân này, hãy về thăm Củ Chi, bạn sẽ cảm thấy không khí đón xuân nơi đây luôn nhộn nhịp và tưng bừng. Những vườn rau xanh mướt, những vườn lan, cây kiểng, bonsai rực rỡ sắc màu cùng những nông dân Củ Chi cần mẫn trong lao động, hiền hòa mến khách sẽ khiến bạn không sao quên được mảnh đất và người dân quê tôi.

 

Vượt khó bằng chính nội lực của mình:

Năm 2012 là năm ngành nông nghiệp huyện tiếp tục gặp không ít khó khăn. Song, với tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm và ý chí quyết tâm vượt khó bằng chính nội lực của mình, trong đó có sự nỗ lực của các đơn vị trong ngành nông nghiệp của huyện như Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật cùng sự phối hợp nhịp nhàng đồng bộ của các đơn vị có liên quan và cái chính là sự chung tay góp sức, sự cần mẫn siêng năng lao động của bà con nông dân,... Tất cả đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển.

Ông Lê Đình Đức – Trưởng phòng kinh tế huyện chia sẻ: “Để giữ vững tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp, thời gian qua, Phòng Kinh tế phối hợp với Hội Nông dân, các sở ngành thành phố, huyện thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện mô hình điểm sản xuất có hiệu quả; vận động bà con nông dân thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP gắn liền với việc thực hiện các điểm trình diễn cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa”.

Ông Đức còn cho biết, từ huyện đến các xã cũng đã quan tâm duy tu sửa chữa các công trình thủy lợi, điều tiết nước đảm bảo tưới tiêu, kiểm tra gia cố bờ bao xung yếu, hạn chế thấp nhất thiệt hại do triều cường gây ra cho sản xuất nông nghiệp và cuộc sống bà con vùng ven sông Sài Gòn; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh giết mổ, buôn bán vận chuyển gia súc gia cầm trái phép. Công tác dự báo tình hình diễn biến sâu bệnh hại cây trồng được thực hiện hiệu quả. Công tác hướng dẫn bà con thực hiện nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được duy trì thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần quan trọng ngăn chặn các dịch bệnh hại trên cây trồng.

Cũng trong năm 2012, huyện đã phê duyệt 385 phương án hỗ trợ vay vốn theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cho 1.980 hộ vay với tổng số vốn trên 354 tỷ đồng, giúp các hộ có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và phòng trừ dịch bệnh hại cây trồng được quan tâm thực hiện, không để dịch bệnh phát tán, lây lan trên diện rộng. Công tác tiêm phòng lỡ mồm long móng trên gia súc đạt trên 80% tổng đàn. Trong xây dựng nông thôn mới, Tân Thông Hội và Thái Mỹ đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. 18 xã còn lại đã thực hiện xong đề án. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện và Ban quản lý các xã tiếp tục phối hợp với tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo nông thôn mới thành phố để rà soát điều chỉnh theo định hướng các tiêu chí phù hợp với đặc thù vùng nông thôn của huyện.

Bằng nhiều giải pháp thiết thực và phù hợp với đặc điểm từng địa phương, tình hình sản xuất kinh tế nông nghiệp ở Củ Chi từng bước phát triển, chuyển dịch đúng định hướng(***). Và quan trọng hơn hết chính là tết năm nay có không ít nông hộ trên địa bàn huyện phấn khởi vui xuân đón tết từ những mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế cao như các mô hình trồng lan cắt cành, trồng rau muống nước, mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch, chăn nuôi bò sữa….

Đón xuân mới ở một xã điểm thực hiện chuyển đổi:

Về Trung An vào mỗi độ xuân về khiến ai ai cũng phải thích thú, cảm thấy lòng lâng lâng khó tả bởi không khí tết nơi đây thật trong lành dễ chịu với sắc màu xanh tươi mơn mởn của những vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái vườn. Từ mạch nguồn cảm xúc ấy, chúng ta càng cảm thấy phấn khởi và yêu sao mảnh đất và con người Trung An anh hùng trong chiến đấu, giờ đang thay da đổi thịt từng ngày, nhất khi nơi đây là một trong 5 xã điểm của huyện được chọn thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Trung An có tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm 77,5% diện tích của toàn xã. Các ấp có tỷ lệ nông nghiệp cao là ấp Bốn Phú, An Hòa và An Bình. Năm 2012, tình hình thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ năm 2011, diện tích cây lúa giảm 51,9ha, diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi tăng 172,1ha, diện tích vườn cây ăn trái tăng 5ha.

Chủ tịch UBND xã Trung An - ông Võ Văn Minh vui mừng cho chúng tôi biết: “Qua thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Trung An đang khoác lên mình một diện mạo mới. Các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xã được quan tâm đầu tư như đường Trung An, đường ranh khu công nghiệp, đường Bàu Trâm, các tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông nhựa nóng, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa…. Điều quan trọng nhất là qua chương trình này đã giúp bà con nông dân từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng với các mô hình chuyển đổi có hiệu quả từ cây lài, hoa lan, nghệ, măng cụt, ổi …ở các hộ như hộ ông Võ Văn Phích, ông Đỗ Xuân Thành, ông Huỳnh Văn Huệ, ấp An Hòa …”.

Qua lời tâm sự của ông Minh, chúng tôi tìm đến hộ ông Huỳnh Văn Huệ, ngụ ấp An Hòa. Vừa cậm cụi làm cỏ, ông vừa vui vẻ nói: “....tôi làm mô hình trồng cây ăn trái này đã lâu rồi, từ khi xã có chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Hiện tôi có 3000ha đất vườn trồng 80 cây chôm chôm. Tôi cũng đã áp dụng mô hình "Chôm chôm đốn đao" xen canh một số cây như là măng cụt, dâu, ổi không hạt. Lúc đầu khi tham gia mô hình chuyển đổi cũng gặp khá nhiều khó khăn lắm, như cây ăn trái bị nấm, sâu đục thân, gây thiệt hại rất lớn. Nhưng được sự hỗ trợ kịp thời từ Hội nông dân, viện cây ăn trái miền Nam cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn, tôi đã học được cách sử dụng thuốc trừ sâu, cách bón phân hợp lý nên vườn cây ăn trái dần đi vào ổn định”. Ông Huệ còn dẫn chúng tôi tham quan một vòng ao nuôi cá. Hiện tại, ông đang tiếp tục áp dụng mô hình nuôi cá rô đầu vuông trên diện tích 1000m2, thu hoạch 1,5 tấn cá/năm. Tổng thu nhập từ vườn cây ăn trái và nuôi cá ước tính khoảng trên 100 triệu/năm.

Để chuẩn bị đón tết, ông lo dọn dẹp vệ sinh, bón phân cả vườn cây ăn trái để các loại cây trong vườn luôn tăng trưởng, cho năng suất và chất lượng cao. Ông cười giòn giã: “vui tết nhưng cũng không bao giờ quên chăm sóc vườn cây ăn trái và ao nuôi cá bởi đó là nguồn sống của gia đình. Tết năm nay cũng như mọi năm thôi, thì cũng thịt kho, dưa giá, củ kiệu, cũng bánh tét, dưa hấu để cúng ông bà tổ tiên, xin ông bà phù hộ cho mình tiếp tục làm ăn suông sẻ, năm sau khấm khá hơn năm trước. Khi làm ăn thuận lợi thì mới có thể giúp đỡ bà con lối xóm để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình”.

Với bản chất siêng năng cần mẫn, chịu thương chịu khó của một người nông dân chất phác, ông Huệ đã biết áp dụng mô hình làm ăn phù hợp, cùng địa phương thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Để mỗi một mùa xuân về, bức tranh nông thôn Trung An nói riêng và huyện Củ Chi nói chung lại được điểm tô thêm những nét chấm phá mới, rực rỡ hơn, sắc nét hơn.

 

Bích Ngân


Số lượt người xem: 6368    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm