LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
3
2
3
9
4
Tin tức 11 Tháng Hai 2016 9:30:00 SA

Đón Xuân trong những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình – “ngôi nhà 22”

Triển khai thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, với sự chung tay góp sức của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể, mùa xuân Bính Thân 2016 này huyện Củ Chi có thêm 397 hộ gia đình chính sách được đón Tết trong những ngôi nhà mới khang trang, ấm áp nghĩa tình – những “ngôi nhà 22”. Đối với họ mùa xuân này thật hạnh phúc, ý nghĩa biết bao!

 

Chính sách xây nhà ở cho người có công là chiến lược tối ưu nhằm ổn định đời sống các gia đình chính sách. Đây chính là sự tri ân sâu sắc trước những công lao to lớn của các gia đình chính sách đối với độc lập, tự do của Tổ quốc. Tuy giá trị không thật lớn song mỗi ngôi nhà là sự chung tay, góp sức của chính quyền địa phương đem lại niềm vui cho các gia đình chính sách khi Tết đến, xuân về.
Trong tiết trời ấm áp của mùa Xuân, chúng tôi có dịp đến thăm nhà bà Trần Thị Hà, sinh năm 1944, ngụ ấp 6 xã Phước Vĩnh An. Chúng tôi đến vào đúng lúc bà đang quét khoảng sân bên hông nhà. Nhận thấy bà đi lại khó khăn nhưng lại đang quét sân, bà hiểu ý và nói: “Tết tới nơi rồi nên tranh thủ khỏe hồi nào dọn dẹp hồi đó cho sạch sẽ, chứ nhà mới đẹp như vầy mà sân bề bộn thì làm sao mà được”. Chưa kịp giới thiệu, bà lại hồ hởi nói: “Được Nhà nước hỗ trợ cho gia đình chính sách, người có công được 40 triệu đồng để sửa chữa, lợp mái, sơn phết lại mới được như vầy chứ hồi trước xấu lắm.” Nhìn nét mặt vui mừng khi nói về ngôi nhà mới của bà, chúng tôi như hiểu được đó là mong mỏi bao lâu nay của một người bệnh binh, neo đơn như bà. Được biết, bà Trần Thị Hà là bệnh binh và thờ cúng 2 liệt sĩ là anh trai và em gái bà. Chồng mất, con trai cũng vắng số lúc 14 tuổi, một mình bà sống đơn độc, thờ cúng chồng con, anh em. Đến nay tuổi cao sức yếu, nay ốm mai đau. Cuộc sống chỉ nhờ vào khoản trợ cấp hàng tháng và sự chăm sóc từ người cháu ruột. Được hỏi về ngôi nhà mới được sửa chữa, bà xúc động cho biết: “Hoàn cảnh tôi neo đơn, khó khăn, tuổi già sức yếu lại thường xuyên bị bệnh. Nhà tình nghĩa được xây dựng từ năm 1989 đến nay đã xuống cấp nhiều nhưng cũng không dám nghĩ đến việc sửa chữa lại. May có chính sách của Nhà nước và được chính quyền địa phương hỗ trợ nên tôi mới sửa lại được căn nhà khang trang, sạch sẽ như vầy. Tết này tôi có được căn nhà khang trang đón Tết thì quả thật không gì bằng”.
Cùng với tâm trạng nôn nao đón Tết như bà Hà, ông Nguyễn Văn Xực cũng đang dọn dẹp cây cối quanh nhà cho gọn gàng sạch sẽ sao cho “xứng” với ngôi nhà đẹp mà gia đình mới được hỗ trợ kinh phí sửa chữa theo Quyết định 22. Ông Nguyễn Văn Xực, sinh năm 1950 là con liệt sĩ Nguyễn Văn Đực, ngụ ấp Ngã Tư xã Nhuận Đức. Năm 1997 đơn vị Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn hỗ trợ gia đình ông xây dựng ngôi nhà tình nghĩa tri ân công ơn ba ông đã hy sinh vì hòa bình dân tộc. Ngày qua ngày, ngôi nhà cũng hư hỏng theo thời gian, thế nhưng cuộc sống gia đình vốn thuần nông, con cái đều đã có gia đình riêng nên để có kinh phí sửa chữa được căn nhà vững chắc, không “trống trước hở sau” chỉ là một niềm mơ ước. Ông Xực xúc động cho biết “Gia đình tôi thành thật cảm ơn Đảng và chính quyền đã quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi trong những lúc khó khăn này.”
Chúng tôi lại men theo những con đường tràn ngập sắc xuân, đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Rữa, ngụ ấp Giữa xã Tân Phú Trung, là vợ liệt sĩ Tô Văn Âu. Liệt sĩ Tô Văn Âu là đội viên du kích xã Tân Phú Trung, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Khi đó con trai bà chừng 8 tuổi. Ôm nỗi đau mất chồng, bà làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi con trai khôn lớn. Vậy mà số phận lại bạc bẽo với 2 mẹ con bà khi bà phát hiện bị bệnh mục xương phải điều trị trong thời gian dài. Di chứng của căn bệnh làm cho bà phải đi khom lưng suốt 50 năm nay. Bà chỉ làm một số công việc nhẹ như đan đệm, tráng bánh tráng nuôi con qua ngày. Người con trai duy nhất của bà năm nay cũng đã 55 tuổi, đã lập gia đình và có 2 người con, 1 trai, 1 gái. Với vốn chữ nghĩa ít ỏi, con bà làm đủ nghề để kiếm sống, ai kêu gì làm đó, công việc bấp bênh nên gia đình bà cũng không dư dã. “Từ ngày được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng sửa chữa nhà ở, tôi mừng lắm. Từ nay không còn sợ mưa gió gì nữa rồi, tụi nhỏ cũng yên tâm hơn mà mần ăn” bà Rữa xúc động cho biết.
Với 40 triệu đồng được hỗ trợ, căn nhà được sửa chữa lại kiên cố trên diện tích 32 m2; nền lót gạch men trắng, tường sơn xanh, cột dán gạch và mái ngói, đóng la phông. Dắt chúng tôi đi khắp nhà, chỉ rõ từng ngóc ngách, bà tỏ nỗi vui mừng không xiết: “Tết nhất tới, có chỗ ở khang trang, ấm cúng, thờ phụng sáng sủa vầy gia đình tui vui lắm.” Bà cũng không quên gửi lời cảm ơn đến Đảng và Nhà nước đã có những chính sách quan tâm đến gia đình chính sách khó khăn như bà. Bà nói thêm: “Có nhà mới tui cũng thấy vui tuổi về chiều, xoa dịu đi phần nào nỗi đau mất mát mà gia đình tôi đã chịu đựng trong những năm tháng chiến tranh. Đây cũng là niềm động viên, khích lệ tinh thần để con cháu tôi tiếp tục phấn đấu lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc, sống xứng đáng là gia đình cách mạng gương mẫu”.
May mắn hơn bà Hà, ông Xực, bà Rữa, ông Đỗ Xuân Hưng có được cuộc sống sung túc hơn. Dù là bệnh binh, dù cũng mang trong mình những căn bệnh mãn tính do ảnh hưởng chất độc màu da cam, dù nay ốm, mai đau nhưng với ý chí, nghị lực của người chiến sĩ cách mạng, với sự động viên chia ngọt sẻ bùi của người vợ tri kỉ, ông Hưng, ngụ ấp Trảng Lắm xã Trung Lập Hạ đã vượt qua bệnh tật, vui sống, tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Ông Hưng không chỉ là một người lính cụ Hồ trên chiến trường mà ông còn là một người lính trên mặt trận hòa bình. Công lao của ông không chỉ được ghi nhận vào những ngày gác bút nghiêng cầm súng đánh giặc mà công lao ấy còn ở tấm lòng ông dành cho Đảng, dành cho Nhà nước và bà con xóm giềng. Là người lính cụ Hồ ông quan niệm phải chấp hành tốt và vận động bà con chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; sống và phát triển kinh tế dựa trên nghị lực bản thân, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp sức của người khác mặc dù bản thân sức khỏe cũng không tốt cho mấy. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên giúp đỡ những bà con có hoàn cảnh khó khăn, bất cứ giờ nào hễ ai cần ông đều giúp. Với những công lao trong kháng chiến, những đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế huyện nhà, ông Hưng xứng đáng để được Nhà nước hỗ trợ và chăm lo về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Và ngôi nhà tình nghĩa chính là sự ghi nhận công lao đó, chính là niềm động viên ông Hưng trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời. Ông Hưng chia sẻ: “Gia đình có nguyện vọng xây dựng căn nhà khang trang, an dưỡng lúc về già đã lâu đúng lúc được nhà nước hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho người có công nên gia đình tôi quyết định gom góp tiền của để xây dựng cho gia đình một mái ấm khang trang – nơi con cháu sum họp mỗi khi tết đến xuân về.”
Mỗi mảnh đời, mỗi số phận không ai giống ai, nhưng Tết Bính Thân năm nay, gia đình bà Trần Thị Hà, ông Nguyễn Văn Xực, bà Nguyễn Thị Rữa, ông Đỗ Xuân Hưng và hàng trăm gia đình khác sẽ được quây quần, sum họp bên nhau trong căn nhà mới khang trang, thắm đượm nghĩa tình. Có được kết quả này là nhờ vào sự vận động tích cực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các đơn vị, cùng chung tay, góp sức giúp đỡ các gia đình có được một mùa xuân vui tươi, đầm ấm và nghĩa tình. Với những gia đình ấy, xuân này đẹp hơn bao giờ hết bởi bao mất mát, hy sinh, bao bộn bề của cuộc sống bấy lâu, nay đã dần lùi xa vào quá khứ, nhường chỗ cho những tình cảm ấm áp, những mầm xuân đâm chồi vươn xa

NGỌC THÙY


Số lượt người xem: 2506    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm