LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
3
4
6
5
6
Tin tức 11 Tháng Hai 2016 8:55:00 SA

Phụ nữ Củ Chi: Từng bước nâng cao vai trò. vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội

Đồng hành cùng chị em phát triển, tiến bộ, năm 2015 là năm các cấp Hội phụ nữ Củ Chi ra sức thực hiện 03 đề án của Chính phủ, gồm Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước” (đề án 343), Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” (đề án 704), Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015 (đề án 295). Nhìn chung, các đề án được triển khai rõ nét, tạo điểm nhấn trong từng nội dung hoạt động. Nhận thức, hành vi của cán bộ hội viên phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung có sự chuyển biến tích cực, phụ nữ đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong công tác, trong cuộc sống.

Giữ gìn phát huy phẩm chất phụ nữ xưa và nay.
Ngay từ những ngày đầu được triển khai thực hiện đề án 343, Hội chú trọng tuyên truyền, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của phụ nữ xưa, đồng thời phát huy những phẩm chất mới, phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Trước hết, Hội chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho 97,87% cán bộ Hội, củng cố và xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên có phẩm chất, đạo đức, có uy tín, nhiệt tình, tâm huyết, gương mẫu trong cuộc sống, có kỹ năng truyền thông và vận động quần chúng tốt, hiểu rõ đặc điểm tình hình phụ nữ tại địa phương tham gia công tác tuyên truyền, đến nay, Hội đã xây dựng được gần 400 báo cáo viên, tuyên truyền viên. Hội tiếp tục củng cố và thành lập được 17 câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với đề án 343”, thu hút 347 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, báo cáo chuyên đề, tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ, tiểu phẩm, hò vè… ca ngợi phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt nam, tạo điều kiện để chị em được nghe, được gặp và tự thay đổi chính mình để tự tin hội nhập, có những đóng góp tích cực trong các phong trào của Hội cũng như của địa phương.
Qua 05 năm triển khai thực hiện đề án, trong giới đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình được các cấp Hội tuyên dương, nhân rộng thông qua các hội thi, hội diễn… nhất là hội thi kể chuyện gương sáng quanh tôi được tổ chức hàng năm. Một trong những gương sáng đó chính là bà Nguyễn Thị Đẹp, Bí thư chi bộ ấp Chợ Cũ, xã An Nhơn Tây. Bà là người phụ nữ gần như hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh, xây dựng quê hương đất nước. Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, với nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với khí thế sôi nổi của phong trào thanh niên, phong trào cách mạng ở địa phương lúc bấy giờ đã thôi thúc bà gắn bó cả cuộc đời mình cho cách mạng.
Sau ngày giải phóng, bà công tác ở Phòng thuế nay là Chi cục thuế huyện và gắn bó đến năm 2002 thì về hưu. Đến năm 2005, khi địa phương cần, bà tiếp tục ra sức tham gia công tác địa phương với vai trò là Bí thư chi bộ ấp. Công việc của Người Bí thư chi bộ ấp tưởng chừng đơn giản nhưng khi bắt tay vào việc bà cũng gặp không ít khó khăn. Bà nhanh chóng bắt nhịp với công việc bằng cách lân la đến từng nhà, gặp từng người, dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng bà con từ đó bà nắm rõ tình hình cũng như khó khăn của bà con mình trong ấp. Ngoài sự hỗ trợ của ấp, của các cấp chính quyền địa phương, khi thấy hoàn cảnh nào khó khăn mà bà có thể giúp được bà luôn sẵn sàng giúp. Trước hết bà vận động ngay trong chính gia đình mình, các con mình như cho quần áo, mua đồ ăn hay bà mua hạt giống cho bà con mình để có cái mà ăn không phải lo tiền chợ hằng ngày… nhiệt huyết của người phụ nữ, tấm lòng nhân ái của bà đã một lần nữa khắc họa rõ nét chân dung của người phụ nữ xưa anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang cũng như 04 phẩm chất tự tin, tự trong, trung hậu đảm đảng của người phụ nữ thời kỳ mới.
Sáng tạo trong từng mô hình.
Gắn với đề án 343, năm 2015 là một năm đánh đấu thành công của các cấp Hội liên hiệp phụ nữ huyện trong thực hiện đề án 704. Thành công lớn nhất của đề án là cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ cho các ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi, góp phần đáng kể vào giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ em, hạn chế tình trạng trẻ em hư, vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội… Đến nay Hội đã tập huấn đúng kiến thức về quyền trẻ em, biết cách chăm sóc và thực hành nuôi con theo từng độ tuổi cho trên 95% bà mẹ có con dưới 16 tuổi, gần 38% ông bố được tiếp cận các kiến thức về nuôi dạy con. Bên cạnh đó, Hội thành lập được 34 CLB gia đình nuôi dạy con tốt và 23 nhóm bà mẹ nuôi dạy con tốt. Các CLB được tổ chức sinh hoạt định kỳ và cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng thực hành nuôi dạy con theo khoa học, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con tốt.
Điển hình như mô hình CLB “Gia đình nuôi dạy con tốt” xã Bình Mỹ trong những năm qua cũng là một trong những mô hình hoạt động tiêu biểu, giúp nhiều hội viên, phụ nữ và gia đình có chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm, nuôi dạy con cái, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện, tự tin hơn khi bước vào cuộc sống. Ban đầu Hội thành lập CLB với tên là CLB “Bà mẹ nuôi dạy con tốt” với 15 gia đình tham gia với đủ 3 thế hệ ông bà – cha mẹ - con cháu. CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng quí giúp các thành viên cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm, cũng như khó khăn gặp phải trong việc nuôi dạy con với nhiều chủ đề và nhiều hình thức như: tọa đàm, vấn đáp, phát tờ rơi, tuyên truyền miệng... và chủ động lồng ghép tuyên truyền các nội dung của đề àn trong các buổi sinh hoạt CLB xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ đó CLB đã tác động giúp chị em có con dưới 16 tuổi biết quan tâm đến việc giáo dục con trong gia đình, không những vậy các thành viên trong CLB còn trở thành lực lượng nồng cốt trong việc tuyên truyền, vận động các bà mẹ có con dưới 16 tuổi cùng tham gia, góp phần cùng cộng đồng xã hội giáo dục trẻ không bỏ học giữa chừng, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội...
Cơ hội cho phụ nữ thoát nghèo bền vững từ đề án 295
Nhằm tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 295. Đề án được triển khai thực hiện đã hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cũng như được vay vốn để tự tạo việc làm cho lao động nữ.
Đi vào thực hiện đề án, Hội phối hợp với các ban ngành, xã – thị trấn tổ chức gần 160 cuộc điều tra, rà soát doanh mục nghề đào tạo trên địa bàn. Từ cơ sở đó, Hội đánh giá chất lượng và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn, phối hợp tổ chức gần 260 cho trên 8.000 học viên, trong đó có trên 4.300 học viên là nữ với các ngành nghề phổ biến như: sơ cấp thú y, kỹ thuật chăn nuôi heo, trồng rau an toàn, trồng hoa lan, kỹ thuật nấu ăn, trang điểm... Ngoài ra Hội còn tư vấn và giới thiệu gần 15.000 chị em có việc làm ổn định tại các công ty, xí nghiệp và hàng ngàn lao động có việc làm thời vụ, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Từ công tác đào tạo nghề, bước đầu đã giúp các lao động chưa có nghề, việc làm có cơ hội nâng cao tay nghề. Nhiều chị em nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ vào quá trình lao động sản xuất, góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình.
Gắn với các hoạt động đào tạo, tạo việc làm, hội còn chủ động thành lập nhiều mô hình, tổ ngành nghề như: nhóm phụ nữ nấu đám tiệc, đan đát, tổ trồng rau sạch, trồng nấm linh chi…. Từ hoạt động của các mô hình tổ nhóm phụ nữ đã giúp chị em có thêm cơ hội có việc làm ổn định, cũng như có điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất, tăng năng suất hiệu quả lao động, chất lượng hàng hóa cũng như có thể tham gia đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, góp phần giúp chị em ổn định kinh tế gia đình. Phát huy hiệu quả các mô hình, trong năm 2015, Hội tiếp tục duy trì và thành lập mới nhiều mô hình như tổ may hàng gia công, tổ xỏ cườm áo tại xã Phạn Văn Cội. Từ công việc này, nhiều chị em lớn tuổi cũng như chị em có thời gian nhàn rỗi có việc làm thêm, ổn định thu nhập với mức thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng. 
Chính từ từ năng động, sáng tạo từ trong cách nghĩ, cách làm của các cấp Hội đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong cách nghĩ cách làm của chị em, giúp chị em chủ động, tự tin hơn trong công việc, trong cuộc sống, không ngừng tự học, tự rèn, nâng cao năng lực bản thân cũng như tổ chức tốt cuộc sống gia đình. Hy vọng trong năm mới Bính Thân này với những cố gắng của các cấp Hội cũng như sự nỗ lực của chính chị em sẽ góp phần nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Diễm Trang


Số lượt người xem: 2183    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm