LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
7
4
3
6
0
7
Tin tức 13 Tháng Hai 2015 7:35:00 SA

Nét mới trên vùng đất thép sau 40 mươi mùa xuân

Nếu ai có dịp đến Củ Chi trong mùa xuân Ất Mùi này có thể cảm nhận được sự đổi thay của quê hương Đất Thép Thành Đồng sau 40 năm xây dựng và phát triển. Trải qua 40 mùa xuân giờ đây Củ Chi đang khoác trên mình một chiếc áo mới thật quyến rũ. Từ những cánh đồng lúa, rau màu xanh mướt, những vườn hoa lan khoe sắc trong ánh nắng ban mai, đến những cánh đồng cỏ trải dài, với những đàn bò đang ung dung gặm cỏ. Những con đường nhựa sạch đẹp khang trang, những ngôi trường, những trạm xá, nhà văn hóa, những ngôi nhà mới … như một bức tranh tuyệt mỹ thật sống động.
Đến Củ Chi, nếu không về thăm đền Bến Dược là xem như chưa đến được huyện Củ Chi. Đền tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược uy nghi nằm trên địa bàn xã Phú Mỹ Hưng như một biểu tượng về khí phách kiên trung, tinh thần chịu đựng hy sinh gian khổ của người dân vùng đất thép Củ chi anh hùng. Tên đất, tên người cùng với những chiến tích oai hùng, những lũy tre làng, những chiến hào địa đạo năm xưa chở che những người con của cách mạng đã làm nên một Củ Chi huyền thoại, giờ đây lại chứng kiến bao đổi thay của vùng đất này với niềm tin và sức sống mới.

 Tấc đất tấc vàng

Trải qua 40 mùa xuân giờ đây Củ Chi đã có sự đổi thay đáng kể, trong số những thành tựu đáng ghi nhận đó là chuyển đổi cơ cấu kinh tế thay đổi phương thức canh tác, nuôi trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện đô thị hóa của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Toàn huyện hiện có 6 cụm công nghiệp với 4 khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 60 ngàn lao động, việc hình thành các khu công nghiệp Ngoài tạo ra “cú hích” thay đổi căn bản về kinh tế địa phương mà còn làm thay đổi cách nghĩ cách làm, vốn đã ăn sâu bám rễ bao thế hệ người dân nơi đây.

Trước đây với với tập quán cũ của nông dân là “độc canh năng suất bấp bênh” thì giờ đây được thay vào đa canh đa con, tận dụng và khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai và lao động nông nhàn, với việc chuyển sang trồng các loại cây con có giá trị thương phẩm cao trên thị trường như: Hoa lan cây kiểng, rau sạch với 9.187 hecta. Chăn nuôi phát triển khá mạnh và nghề nuôi bò sữa được xem là thế mạnh chủ lực trong nông nghiệp của huyện ở thời điểm hiện tại. Với 65.000 con bò sữa cho sản lượng 550 tấn sữa/ngày, Củ Chi được xem là nơi có tổng đàn bò sữa lớn nhất của TP.HCM. Từ vật nuôi này, đã giải quyết cho hàng ngàn hộ dân nơi đây  đổi đời, vươn lên khá giả. Tính trong năm 2014, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ở Củ Chi ước đạt gần sáu nghìn tỷ đồng.

Trong nông nghiệp để đảm bảo đầu cho nông sản phẩm hàng hóa với việc hình thành 27 hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên canh đã giúp cho người nông dân an tâm sản xuất và khỏi phải lo chuyện đầu ra của sản phẩm và và bị o ép giá. Hợp tác xã Thỏ Việt tại ấp 3 xã Phạm Văn Cội là điểm sáng về mô hình hợp tác sản xuất giải quyết lao động và đảm bảo cung cấp rau sạch cho các siêu thị, hiện nơi đây đã giải quyết tiêu thụ nông sản cho khoảng 40 nông hộ ở địa phương, tạo công ăn việc làm cho 100 lao động nông nhàn. Còn là nơi cung ứng rau củ quả sạch cho người dân Củ Chi và TPHCM thông qua hệ thống các siêu thị: Coop mart, Lotte, Big C, Metro Cầu Tre.

Để nông dân tiếp cận với cách làm mới đã có nhiều lớp khuyến nông được tổ chức tận chân ruộng, giúp hàng trăm ngàn nông dân của huyện được học hỏi phương thức canh tác mới. Các ngân hàng trú đóng trên địa bàn cũng vào cuộc giải ngân giúp cho nông dân về vốn với hình thức tín chấp. Đặc biệt chương trình vay vốn theo Nghị Quyết 13 của UBND thành phố, huyện Củ chi đã phê duyệt 2.856 dự án với số vốn đã giải ngân không lãi trên 1.000 tỷ đồng giúp cho 5.317 hộ nông dân đầu tư sản xuất chăn nuôi ở gia đình.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp ngoài áp dụng khoa học kỹ thuật và giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa. huyện Củ Chi còn làm tốt mô hình liên kết 4 nhà: “nhà nông, nhà nước, ngân hàng, nhà khoa học”. đặc biệt là tinh thần chịu thương chịu khó của nông dân. Kết quả đạt được qua chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở Củ Chi đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, khơi dậy ý thức làm chủ của người dân và khai phá tiềm năng đất đai để xây dựng quê hương vốn đã từng bị bơm cài đạn xới.  Từ đó cũng xuất hiện hàng loạt mô hình sản xuất mới theo hướng bền vững, dự án nông nghiệp công nghệ cao tại tại xã Phạm Văn Cội với 88hecta chuyên nghiên cứu và sản xuất các loại cây con có giá trị kinh tế là một ví dụ. Trong tương lai TP.HCM sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng cho dự án trung tâm Công nghệ sinh học  với quy mô 500 hecta, dự án 295 tỷ đồng đầu tư nhà máy sữa Củ Chi với công suất 40.000tấn sữa/năm.  

 Trả mãi ân tình 

 

Ông Lê Minh Tấn - Thành ủy viên - Chủ tịch UBND huyện tâm sự với chúng tôi: “Nhớ lại khoảng thời gian trước cuộc sống nhân dân thì thiếu thốn trăm bề, nhưng bằng tất cả tinh thần trách nhiệm với làng quê của mình người dân Củ chi đã cật lực lao động để vượt qua khó khăn đói nghèo đã làm thay đổi diên mạo nông thôn rất nhiều. Nếu như trước đây mỗi ngày dân Củ Chi tính ăn đủ no, mặc đủ ấm. Thì bây giờ người dân tính đến chuyện ăn ngon, đủ dưỡng chất và mặc đẹp, thậm chí có gia đình còn sợ con em họ béo phì từ thực phẩm”. Khi đời sống được nâng cao, và được hưởng thụ các điều kiện cơ sở vật chất thiết yếu, người dân sẳn sàn đóng góp và thực hiện nghĩa vụ công dân của mình tốt nhất”.    

Chủ tịch Lê Minh Tấn nói thêm: “Kết quả xây dựng, phát triển trong thời gian qua, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, vai trò của nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bà con đã không tiếc của cải, đất đai, hoa màu… để đóng góp làm đường giao thông nông thôn, lắp đèn chiếu sáng và thi công nhiều công trình khác. Đến nay, có 1.629 người dân đã hiến 396.289 m2 đất, trị giá hơn 119 tỷ đồng để xây dựng các công trình công ích… Tiêu biểu có bà con nhân dân ấp Bàu Tre 2, xã Tân An Hội, đã vận động nhau vui vẽ hiến đất cùng Ban quản lý địa phương xây dựng ngôi trường cấp I-II với tên gọi “Liên minh Công Nông”  khang trang sạch đẹp cho con em trong xã có nơi học hành tử tế”.

Riêng trong chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí đạt được tại hai xã là Tân Thông Hội và Thái Mỹ. Thì đến nay huyện Củ Chi đã có thêm 11 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, 1 xã đạt cơ bản 18 tiêu chí, 6 xã đạt cơ bản 17 tiêu chí; mục tiêu từ nay đến 30/4/2015, huyện phấn đấu hoàn thành, các tiêu chí còn lại, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Củ Chi.

Các chương trình giảm hộ nghèo tăng hộ khá, tặng nhà tình thương, nhà tình nghĩa cũng nhận được sự giúp sức rất lớn từ các quận, huyện đã có 31 căn nhà tình nghĩa, 466 căn nhà tình thương tặng cho gia đình chính sách và hộ gặp khó khăn về nhà ở. Những ngôi nhà này được các cá nhân mạnh thường quân các tổ chức chính trị các quận nội thành giúp sức cho Củ Chi. Mà tâm điểm kết nối cho sự kết nối yêu thương, chung sức cùng Củ Chi là những con em Củ Chi trưởng thành đang sinh sống lao động học tập tại các đơn vị họ đã và đang công hiến cho quê hương mình bằng nhiều cách. 

Vào những ngày này người dân Củ Chi đã và đang tích cực thi đua lao động sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ của năm 2015. Chặn đường mới trong xây dựng huyện nông thôn mới với bằng tất cả niềm tin vào sự đổi thay của làng quê cộng đồng mình sinh sống, trong đó có việc đóng công góp sức cùng chính quyền phát triển kinh tế -xây dựng nông thôn mới.

 Còn rất nhiều công trình và nhiều điều về ân tình mà người dân vùng đất này đối với cách mạng. Từ trong gian lao ác nghiệt nhất của cuộc 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, người dân Củ Chi đã kiên gan bám trụ và tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng đến ngày thắng lợi. Trong hòa bình xây dựng hôm nay truyền thống đó được người dân Củ Chi phát huy trên nhiều lĩnh vực tạo nên sức sống mới trên vùng đất này.

Văn Tài


Số lượt người xem: 3115    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm