LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
7
8
9
9
6
0
Củ chi Đất thép thành đồng 29 Tháng Chín 2017 8:40:00 SA

Tự hào 50 năm Đất Thép Thành đồng

Củ Chi nằm ở cửa ngõ huyết mạch phía Tây Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh. Có dòng sông Sài Gòn chảy qua, lắng sâu vào lòng sông bao huyền thoại về một quê hương đất thép anh dũng, kiên cường.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trực tiếp tham chiến bằng hai gọng kìm là “tìm diệt” và “bình định” đã đưa cách mạng miền Nam vào thử thách khốc liệt. Phát triển chiến tranh du kích được xác định là phương châm đánh giặc. Do điều kiện địa hình, đất đai đặc biệt, Củ Chi được chọn mở rộng xây dựng địa đạo làm căn cứ kháng chiến xuống lòng đất là yêu cầu cấp thiết để tránh những hao tổn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ có thanh niên trai tráng, mà còn có lực lượng nữ, trung niên tham gia. Họ vốn là những nông dân chân chất hiền lành, nhưng đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, nhìn đồng bào vô tội bị kẻ thù giết hại dã man, khiến lòng căm thù, uất hận trào dâng, biến họ thành những dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy. Du kích Củ Chi chính là nhân dân, nhân dân cũng chính là du kích. Ngày cày cấy, đêm vót chông, đào địa đạo, giặc càn quét thì cầm súng, ôm mìn chiến đấu, phục kích tiêu diệt bọn cường hào gian ác.

Quân dân Củ Chi linh hoạt trong cách đánh địch bằng vũ khí của mình, dùng vũ khí địch đánh địch. Những quả mìn gạt, mìn cán tự tạo của các chiến sĩ quân giới từ những quả bom chưa nổ trong số 500 ngàn tấn bom đạn mà Mỹ đã đổ xuống vùng đất này đã giúp du kích Củ Chi lập nên nhiều chiến tích lẫy lừng. Nhà nhà, người người trở thành dũng sĩ diệt xe tăng. “Lòng dân nổi dậy – ngày xuống đường – đêm không ngủ. Đạp rào gai – che họng súng. Liều thân mình cho Tổ quốc tồn sinh”.

Đất và người Củ Chi hóa thép.“Trái tim thành chiến hào. Ánh mắt hóa vì sao. Bàn tay thành lưỡi kiếm”. Từ trong lòng đất, quân và dân Củ Chi đã duy trì cuộc kháng chiến trường kỳ bằng tất cả ý chí, nghị lực và niềm tin sắt đá vào ngày thắng lợi. Họ sẵn sàng đối đầu với các thế lực hùng mạnh, đối diện với chiến thuật chiến tranh hiện đại, vũ khí tối tân. Họ có những sáng tạo về cách đánh, về tổ chức trận địa, tạo thế bám trụ, lấy phương thức chiến tranh nhân dân đánh bại phương thức chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ. Củ Chi trở thành biểu tượng của sức sống bất diệt, của cuộc chiến tranh nhân dân. Từ lòng đất, du kích Củ Chi thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh tan hàng trăm trận càn của địch với đầy đủ các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Và cuối cùng, chiến tranh nhân dân thắng chiến tranh hiện đại của đế quốc và tay sai.

10 kết luận về khả năng đánh Mỹ của chiến tranh nhân dân địa phương được rút ra từ Đại hội “Dũng sĩ diệt Mỹ”:

1. Ai ai cũng đánh được Mỹ.

2. Vũ khí gì cũng đánh được Mỹ.

3. Nhiều đánh được, ít cũng đánh được, một người, một tổ đều đánh được.

4. Ở đâu cũng đánh được Mỹ, chỉ cần tích cực bám địch, tìm địch là đánh được.

5. Ngày cũng đánh được, đêm cũng đánh được.

6. Địch phản công là cơ hội để diệt chúng.

7. Đánh ở phía trước, đánh trong hậu cứ địch. Đánh đều khắp, làm cho địch bị động, bối rối càng dễ đánh hơn.

8. Đánh địch trong ấp chiến lược và cả ngoài xã, ấp chiến đấu.

9. Có khả năng, thắng tất cả mọi binh chủng của Mỹ như bộ binh, xe tăng, máy bay, biệt kích.

10. Đánh bằng vũ trang, bằng chính trị và cả bằng binh vận làm cho địch tan rã nhanh chóng.

Dũng cảm trong chiến đấu, kiên cường trong bom đạn, lập nhiều chiến công hiển hách, ngày 17 tháng 9 năm 1967, (miền Nam mở "Đại hội Quyết Thắng giặc Mỹ xâm lược"), quân và dân Củ Chi được Ủy Ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam công nhận là “Đất Thép Thành đồng”, được tặng Huân chương Thành đồng.

Huyện Củ Chi có hàng ngàn dũng sĩ diệt Mỹ, 40 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; 2.064 Mẹ Việt Nam anh hùng" trong đó có 91 Mẹ còn sống; gần 11.000 liệt sĩ; trên 2.000 thương và bệnh binh; trên 10.000 gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng. Những con số này là bằng chứng sống về sự kiên cường của quân dân Củ Chi Đất thép thành đồng. Cuộc chiến trong lòng đất của quân và dân Củ Chi đã ghi vào lịch sử dân tộc và nhân loại. Một kỳ tích có một không hai, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thế kỷ 20.

Trong giai đoạn 1954 - 1975, Củ Chi vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Người Củ Chi bao đời kiên cường, bất khuất, một lòng đoàn kết đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù bảo vệ quê hương, đất nước. Ngày nay, Củ Chi cũng vẫn kiên cường, một lòng đoàn kết xây dựng quê hương địa đạo phát triển, đổi mới. Để xứng đáng với danh hiệu “Đất Thép Thành đồng”, xứng đáng với nghĩa tình sâu nặng của Thành phố luôn bên cạnh Củ Chi và cả nước cũng luôn hướng về đất anh hùng Củ Chi. Bốn mươi hai năm sau xây dựng, quê hương “Đất Thép Thành đồng” đã đạt được một số thành tựu:

Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới từ năm 1994 đến năm 2004.

Củ Chi là huyện ngoại thành đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận huyện Nông thôn mới vào năm 2015:

- 100% người dân tiếp cận sử dụng nước sạch.

- Thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm.

- Bình quân 1 hecta đất canh tác đạt 465 triệu đồng/năm.

- Đàn bò sữa trên 70 ngàn con, năng suất bình quân 5.800 kg sữa/1 chu kỳ.

- Có trên 4.000 căn nhà tình nghĩa được xây tặng cho gia đình chính sách.

Tự hào với danh hiệu "Đất Thép Thành đồng" của ngày hôm qua, các thế hệ hôm nay càng quyết tâm đoàn kết, bồi dưỡng lòng yêu nước, xây dựng mảnh đất Củ Chi trở thành huyện văn hóa Nông thôn mới - văn minh - giàu đẹp - nghĩa tình.

KIỂU NGÂN


Số lượt người xem: 7769    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm