LIÊN KẾT WEB
 

 

 

 

Địa điểm tiếp nhận ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn huyện là Phòng Kinh tế (Điện thoại: 08.38920371. Email: kinhte.cuchi@tphcm.gov.vn)

 

UBND HUYỆN CỦ CHI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________

Số :        /BC-UBND

Củ Chi, ngày      tháng     năm 2015

DỰ THẢO

BÁO CÁO

Kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới năm 2015
của huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh

 

I. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI:

Thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Thông báo số 238-TB/TW ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Ban chấp hành Trung ương về kết luận của Ban Bí thư về đề án Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Huyện Củ Chi có 2 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới là Tân Thông Hội (Trung ương chọn) và xã Thái Mỹ (Thành phố chọn). Từ kết quả thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 2 xã Tân Thông Hội và Thái Mỹ (giai đoạn 2009 – 2012), Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện đã triển khai nhân rộng đề án nông thôn mới trên địa bàn 18 xã còn lại với mục tiêu phấn đầu đến cuối năm 2015 có 20 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Để chỉ đạo và quản lý đề án nông thôn mới trên địa bàn các xã, Huyện ủy Củ Chi đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Trong từng thời gian, Huyện ủy đã có các Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo trên cơ sở điều chỉnh nhân sự của huyện và bổ sung thêm các thành viên mới cho phù hợp. Đảng ủy xã thành lập Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã.

Sau khi hoàn thành xây dựng thí điểm 2 xã nông thôn mới Tân Thông Hội và Thái Mỹ, Ban chỉ đạo nông thôn mới huyện đã chỉ đạo 2 xã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai nâng chất các tiêu chí đã đạt được. Chỉ đạo xây dựng đề án nông thôn mới trên địa bàn 18 xã nhân rộng.

Sau khi đề án thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới được phê duyệt, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện đã chỉ đạo Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động cụ thể cho từng năm, phân công cụ thể từng thành viên tham gia các nhóm chuyên đề thực hiện các tiêu chí, đảm bảo phù hợp với chức năng, quyền hạn của đơn vị được giao nhằm phát huy tốt nhất vai trò năng lực của các thành viên tham gia xây dựng nông thôn mới. Tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện và lấy ý kiến đóng góp của cán bộ Đảng viên và nhân dân trên địa bàn từng ấp để hòan chỉnh kế hoạch và tổ chức triển khai theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Trên cơ sở tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các xã trên địa bàn huyện, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các xã nhằm hoàn thành 19 tiêu chí trên địa bàn 20 xã trong quý 1 năm 2015. Kết quả đến nay đã có 20 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

II. CĂN CỨ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI:

1. Các văn bản của Trung ương:

- Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Thông báo số 238-TB/TW ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Ban chấp hành Trung ương về kết luận của Ban Bí thư về đề án Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Nghị quyết số 16-NQ/CT ngày 10/8/2012 của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

- Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

- Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới;

2. Các văn bản của các bộ ngành

Thông tư số 40/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới;

3. Các văn bản của Thành ủy - Ủy ban nhân dân thành phố

- Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 (khóa IX)

- Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 22/8/2012 về phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết số 16-NQ/CT ngày 10/8/2012 của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

- Kết luận số 238-KL/TU ngày 02/12/2014 của Thành ủy tại Hội nghị lần thứ hai mươi Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa IX về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, ngân sách năm 2014 và mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu năm 2015.

- Quyết định số 2598/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn thành phố Hồ Chí Minh

- Quyết định số 2927/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh tiêu chí môi trường: tiêu chí 17.1 tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn quốc gia, trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn thành phố Hồ Chí Minh;

-  Quyết định số 36/2014/QĐ-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành việc xét công nhận và công bố xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 22/01/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về điều chỉnh Quyết định số 2598/QĐ-UBND ngày 27/5/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn mới thành phố Hồ Chí Minh;

III. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG:

Củ Chi là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, nằm về phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 43.496 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 28.228 ha. Huyện Củ Chi có 20 xã và 1 thị trấn, trong đó các xã phía Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh hơn so với các xã phía Bắc. Cơ cấu kinh tế của huyện là Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (78,7%) - Thương mại, dịch vụ (15,33%) - Nông nghiệp (5,92%).

- Dân số trên địa bàn huyện có 389.049 người, số lao động trong độ tuổi  hiện nay là 181.866 người. Số hộ nghèo trên địa bàn huyện đến 01/3/2015 là 3.800 hộ/101.333 hộ, chiếm tỷ lệ 3,75%.

- Đảng bộ huyện Củ Chi có 52 cơ sở Đảng trực thuộc (trong đó có 21 Đảng bộ xã, thị trấn, 06 Đảng bộ cơ quan Ban, ngành huyện và 25 chi bộ cơ sở trực thuộc) với 6.387 đảng viên. Tổng số cán bộ công chức của huyện là 790 người trong đó cán bộ 232 người (232 đảng viên) và công chức là 558 người (328 đảng viên). Về trình độ lý luận chính trị: có 04 cử nhân, 108 cao cấp, 371 trung cấp và 307 chưa qua đào tạo. Trình độ chuyên môn: 01 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 448 cử nhân đại học, 30 cao đẳng, 176 trung cấp và 77 chưa qua đào tạo.

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên được củng cố, nâng chất hoạt động có hiệu quả. Mặt trận tổ quốc có 774 ủy viên, Hội nông dân có 25.918 hội viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ có 74.242 hội viên, Đoàn thanh niên có 9.223 đoàn viên, Hội cựu chiến binh có 4.351 hội viên, Liên đoàn lao động có 41.000 đoàn viên công đoàn, Hội chữ thập đỏ có 9.091 hội viên, Hội người cao tuổi có 26.321 hội viên.

IV. KẾT QUẢ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành:

- Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện (Ban chỉ đạo) trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phổ biến các văn bản của Trung ương và thành phố về chủ trương, chính sách, pháp luật trong xây dựng nông thôn mới đến Ban chấp hành Đảng bộ từ huyện đến xã. Có Chương trình, Kế hoạch, Công văn chỉ đạo đến từng xã yêu cầu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phổ biến quán triệt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các văn bản Hướng dẫn của Bộ, ngành trực thuộc Trung ương về xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Ban chỉ đạo đã ban hành 188 văn bản chỉ đạo, điều hành trong đó có 01 Nghị quyết, 23 Quyết định, 19 Kế hoạch thực hiện, 95 báo cáo, 02 Chương trình công tác, 18 thông báo và 30 Công văn. Các văn bản chỉ đạo tập trung về kiện toàn Ban chỉ đạo, triển khai công tác thực hiện xây dựng nông thôn mới…

- Yêu cầu trong triển khai, quán triệt, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trước hết trong Ban chấp hành Đảng bộ và trong Đảng bộ xã thống nhất về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, lấy ý kiến đồng thuận hay không đồng thuận về kế hoạch và ý kiến khác về 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của cán bộ, đảng viên, Hội đồng Nhân dân, các ngành đoàn thể trong xã, chi bộ, từng Tổ nhân dân trong từng ấp, phổ biến các văn bản về xây dựng nông thôn mới, lấy ý kiến về danh mục đầu tư thứ tự ưu tiên thực hiện, sự huy động đóng góp của nhân dân, của doanh nghiệp.

- Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: điều chỉnh Đề án nông thôn mới đối với 18 xã nhân rộng để trình thành phố phê duyệt; tổ chức triển khai thực hiện Đề án đối với các xã đã được UBND Thành phố phê duyệt; công tác quy hoạch xã nông thôn mới phải đảm bảo chất lượng, có tính khả thi, đúng tiến độ; chỉ đạo thực hiện hoàn thành và tổng kết Chương trình xây dựng nông thôn mới ở từng ấp và xã Thái Mỹ; triển khai thực hiện các công trình đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã; thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phổ biến, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới tham mưu Ban thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các xã thường xuyên phối hợp các xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân xây dựng nông thôn mới lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia khác như đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, chính sách hỗ trợ …

- Qua triển khai, quán triệt, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, huyện về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên được nâng lên, hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về mục đích yêu cầu, ý nghĩa trong xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên làm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tích cực phong trào. Qua công tác tuyên truyền nhân dân thấy được mình vừa là chủ thể thực hiện vừa là người thụ hưởng, có tác động trực tiếp đến tiến độ xây dựng nông thôn mới.

2. Công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn

a) Công tác truyền thông:

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trong nhân dân như: tuyên truyền trực tiếp đến từng tổ nhân dân, qua tờ bướm, băng ron (đã phát hành 70.444 tờ bướm phủ khắp các xã trên địa bàn huyện); Đài truyền thanh huyện thường xuyên phát các tin và bài viết về nông thôn mới trên địa bàn huyện, thông qua các tiểu phẩm trong hội thi văn nghệ quần chúng; tổ chức hội thi xây dựng nông thôn mới ở ấp xã, cấp huyện và tham dự hội thi nông thôn mới cấp thành phố; Xây dựng cẩm nang và in phát hành đến tận hộ nhân dân trên 40.000 quyển cẩm nang xây dựng nông thôn mới; qua các tạp chí và trang thông tin điện tử của huyện....

Qua công tác tuyên truyền vận động nhân dân đã nhận thức được mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới và chung tay góp sức vào thực hiện đề án nông thôn mới trên địa bàn. Kết quả đã có 6.287 hộ dân đóng góp vật kiến trúc, hiến đất với tổng diện tích đất là 298.543 m2 để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện. Các đơn vị hỗ trợ chung sức xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ xây dựng 466 căn nhà tình thương trên địa bàn huyện.

b) Công tác đào tạo, tập huấn.

Thực hiện Kế hoạch số 3286/QĐ-UBND ngày 26/6/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới” trong năm 2013 huyện đã tổ chức 16 lớp đào tạo cho 1.619 cán bộ cấp xã, ấp. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã, Ban giám sát cộng đồng để áp dụng vào trong quản lý đều hành xây dựng nông thôn mới của xã.

3. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện:

Tổng kinh phí đã thực hiện: 17.442,901 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 10,23 tỷ đồng, chiếm 0,06%;

- Ngân sách thành phố: 1.289,773 triệu đồng, chiếm 7,39%;

- Ngân sách huyện: 107,04 tỷ đồng, chiếm 0,61%;

- Vốn vay tín dụng: 10.928,194 tỷ đồng, chiếm 62,65%;

- Vốn cộng đồng (dân và doanh nghiệp): 5.107,664 tỷ đồng, chiếm 29,28%.

Trong đó:

+ Vốn đầu tư phát triển sản xuất: 4.696,503 tỷ đồng.

+ Vốn nhân dân hiến đất, vật chất kiến trúc...: 355,223 tỷ đồng.

+ Vốn hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương: 55,938 tỷ đồng.

V. Kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới

Tổng số xã trên địa bàn huyện là 20 xã.

Số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định là 20/20 xã thuộc huyện, đạt 100%

VI. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1. Những mặt đã làm được:

- Qua hơn 5 năm thực hiện triển khai đề án nông thôn mới 20 xã trên địa bàn huyện nhân dân đã có cái nhìn rõ nét hơn về mô hình nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh; Sản xuất phát triển góp phần đưa thu nhập hộ tăng cao, bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, ngày càng hưởng thụ nhiều hơn về nét đẹp văn hóa làng quê với môi trường xanh, sạch; Quy chế dân chủ cơ sở ngày ngày càng được mở rộng.

- Thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ từ xã đến ấp được nâng lên một bước. Thể hiện tốt vai trò hạt nhân Đảng lãnh đạo, đảng viên gương mẫu, tiên phong, nòng cốt đi đầu trong thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới. Nhận thức trong nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực, người dân tin tưởng, tự tin và chủ động tham gia vào từng công việc trong xây dựng nông thôn mới. Đã huy động thành công được sức mạnh của cộng đồng và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới.

- Qua chương trình xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong hiến đất làm đường, trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.

- Qua phát động phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới của thành phố, huyện Củ Chi đã nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị chung sức về cơ sở vật chất để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Tất cả thành viên Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã đều kiêm nhiệm vừa lúng túng triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa phải hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội huyện giao nên khối lượng công việc quá tải ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

- Trong sản xuất tuy đã hình thành được các mô hình sản xuất có hiệu quả nhưng quy mô còn nhỏ, chưa phát triển các trang trại lớn và sự lan tỏa của các mô hình vẫn còn chậm.

- Các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng có nguồn vốn xã hội hóa (vốn dân, vốn vận động doanh nghiệp, …) thực hiện chậm.

- Một số công trình phải điều chỉnh quy mô, kết cấu, vốn đầu tư và địa điểm đầu tư do không phù hợp với thực tế.

- Công tác quản lý địa bàn nhất là đối với việc các đối tượng từ nơi khác đến địa bàn gây án vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế gây ảnh hưỡng đến tình hình an ninh trật tự.

- Công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường từng bước đã mang lại hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, chưa thực sự trở thành hoạt động thường xuyên trong cộng đồng về tham gia bảo vệ môi trường.

- Trình độ của người lao động trên địa bàn chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

* Nguyên nhân:

- Đơn vị tư vấn thiết kế lập báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình chậm, các đơn vị thi công nhận nhiều công trình cùng lúc, đặc biệt do thiếu nguồn cung cấp nguyên vật liệu để thực hiện (đặc biệt là đất đỏ) và ảnh hưởng của thời tiết (trời mưa thường xuyên) dẫn đến chậm tiến độ thực hiện của công trình.

- Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới các xã chưa chủ động trong công tác vận động, phối hợp với các doanh nghiệp mà còn thụ động, trông chờ vào sự can thiệp của Ủy ban nhân dân huyện. Ngoài ra do kinh phí cần vận động nhân dân và doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các công trình khá lớn do đó không thể trong một thời gian ngắn có thể vận động đầy đủ để thực hiện các công trình này.

- Trong công tác lập đề án, một số xã chưa chú trọng khảo sát thực tế địa điểm thực hiện công trình để đề xuất đầu tư nên khi lập đề án một số công trình không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, dẫn đến phải điều chỉnh quy mô thiết kế và địa điểm để thực hiện công trình, phải xin ý kiến điều chỉnh của Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Bài học kinh nghiệm:

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền phải thấm sâu, làm rõ chủ thể xây dựng nông thôn mới là nhân dân và họ cũng là đối tượng thụ hưởng, từ đó mới huy động được mọi nguồn lực trong nhân dân tích cực hưởng ứng, hiến kế, hiến đất đai, vật kiến trúc… để xây dựng nông thôn mới.

- Đa dạng hóa việc huy động vốn các nguồn lực, trước hết là nguồn lực của Nhà nước để tạo niềm tin, tạo đà, cơ sở để huy động vốn các nguồn lực khác, về lâu dài việc huy động vốn trong nhân dân là chính trong quá trình xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

- Xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và trách nhiệm của các ngành, các cấp, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền vận động, tạo khối đoàn kết thống nhất chung sức xây dựng nông thôn mới.

- Coi trọng công tác cán bộ, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức về nộng thôn mới cho cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã.

- Thực hiện công khai, dân chủ để người dân cùng bàn bạc mới phát huy được sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng nông thôn mới xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại địa phương, tránh áp đặt, chọn đúng nội dung để phát triển sản xuất, chuyển dịch lao động và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

- Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện để nhân dân noi theo.

- Thực hiện các giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn để tạo việc làm, tổ chức đào tạo nghề cho lao dộng nông thôn đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn huyện nhằm nâng cao thu nhập của người dân.

4. Đề xuất, kiến nghị:

Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất Trung ương công nhận huyện Củ Chi đạt chuẩn huyện nông thôn mới./.

 

 Nơi nhận:
- Ủy ban nhân dân thành phố;
- Sở NN&PTNT – Cơ quan thường trực (b/cáo);
- Chi Cục PTNT TP;

- TT. Huyện ủy;

- TT. UBND huyện;

- MTTQ VN huyện;

- Thành viên BCĐ huyện;

- Đài truyền thanh huyện;

- Ban biên tập Website Ủy ban nhân dân huyện;

- Lưu: VT, PKT

KT. TRƯỞNG BAN

PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC



 

 

 

Nguyễn Hữu Hoài Phú

PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN


BIỂU TỔNG HỢP KẾT QUẢ THỰC HIỆN TIÊU CHÍ HUYỆN NÔNG THÔN MỚI
huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh

(Kèm theo Báo cáo số:               /BC-UBND ngày       /       /2015 của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi)

TT

Nội dung tiêu chí

ĐVT

Tiêu chuẩn đạt chuẩn

Kết quả thực hiện

Kết quả tự đánh giá của huyện

1

Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định

%

75

 100

100

 

 

 

 
Tìm kiếm