LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
4
8
3
4
Tin tức 25 Tháng Bảy 2016 8:25:00 SA

Nguyễn Hữu Quảng – Người thương binh vượt khó

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng những người lính chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc vẫn sáng mãi trong lòng Tổ quốc và nhân dân. Thời chiến, những người lính chiến đấu vì độc lập tự do. Thời bình, họ cần cù lao động sản xuất vượt qua nghèo khó. Dù thời kỳ nào những người lính cụ Hồ vẫn luôn vững vàng hướng về phía trước. Ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn, thoát nghèo của người thương binh Nguyễn Hữu Quảng, ngụ ấp Mũi Lớn 1 xã Tân An Hội chính là một minh chứng.

Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang chìm trong mưa đạn của kẻ thù, năm 1966, tuy lúc đó mới 17 tuổi, ông đã tham gia dân quân du kích tại xã Hải Giang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định để cùng đánh giặc. Tuy tuổi nhỏ nhưng lúc đó, ông vô cùng gan dạ đã cùng các anh em tiểu đội du kích xã Hải Giang bắn hạ được chiếc máy bay của địch. Từ chiến công này, ông đã vinh dự được đứng chân vào hàng ngũ Đảng, trở thành người đảng viên trẻ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vinh dự này lại càng thôi thúc ông tham gia bộ đội chủ lực của Sư đoàn 338 đi vào chiến trường B theo tiếng gọi “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Sau đó, ông được điều động bổ sung lực lượng cho Sư đoàn 9 để tham gia đánh giặc trên chiến trường Đông Nam Bộ.

Đến năm 1969, trong một đợt hành quân chuyển hướng của đơn vị, ông và mọi người phát hiện có một đội biệt kích của địch đang bám theo. Đơn vị đã cử ông cùng 2 đồng chí khác lùi lại phía sau, quan sát, nắm tình hình và đánh chặn không cho địch bám sát. Ông nhớ lại: “Lúc đó, tôi thấy địch áp rất sát. Tôi nhìn xuống các hố bom xung quanh thì thấy địch đang ẩn nấp phía dưới rất đông. Chúng tôi đành phải nổ súng và báo hiệu để đơn vị biết đồng thời huy động thêm lực lượng đánh chặn quân địch. Trong trận đó, tôi bị thương ở đầu và được đồng đội đưa về phía sau. Nhưng sau khi nghe tin địch thiệt hại lớn, đơn vị hành quân chuyển hướng an toàn, tôi thấy máu mình đổ xuống thật xứng đáng”. Sau một thời gian điều trị, ông lại cùng đồng đội của mình tiếp tục tham gia các trận đánh oanh liệt để giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Là một người lính, không ngại khó khăn, hy sinh gian khổ, ông tiếp tục tham gia chiến đấu giúp nước bạn tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1986, ông xuất ngũ trở về với vết thương trên đầu, ông được xếp hạng thương binh 4/4.

Khi trở về gia đình, ông chính là người trụ cột với 9 người con lần lượt ra đời. Ông kể: “Tôi không thể nói hết khó khăn lúc đó vì chỉ mỗi lo cho con có cái ăn cũng đã vô cùng vất vả rồi”. Thương vợ thương con, ngoài khoản trợ cấp ít ỏi ông cũng muốn mình làm thêm việc gì đó để đỡ đần cho vợ, lo cho các con. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vợ con về tỉnh Đắc Nông sinh sống, năm 2003, ông đưa vợ con về lại Củ Chi và định cư tại ấp Mũi Lớn 1 cho đến nay. Với ông lúc này, cuộc sống khó khăn vất vả bao trùm, năm nào ông cũng là hộ nghèo của xã Tân An Hội. Nhưng ông quyết vươn lên khỏi cái nghèo. Ông quyết định đi thuê đất của người dân bỏ hoang để trồng lúa. Có thời điểm vợ chồng ông thuê đến 2 ha đất để gieo trồng. Mỗi mùa gặt, ông tranh thủ thu hoạch xong ruộng lúa của nhà mình rồi hàng ngày ông cùng vợ đi mót lúa ở những thửa ruộng khác để có thêm gạo cho con ăn cũng như kiếm thêm chi phí trang trải việc học hành của các con. Sự cần cù của 2 vợ chồng không kể trưa nắng hay chiều tối, có lúc 2 vợ chồng mót một mùa lúa được đến cả 1 tấn lúa. Tuy nhiên, con cái ngày càng lớn, từ chuyện ăn đến chuyện học lại thêm gánh nặng trên đôi vai của người thương binh Nguyễn Hữu Quảng. Khi các nhà máy xí nghiệp mọc lên ở Củ Chi, Long An, ông liền xin đi làm bảo vệ cho các công ty, xí nghiệp rồi tranh thủ thời gian còn lại trong ngày để xuống đồng trồng trọt thêm. Với sự chịu thương, chịu khó của mình, từ từ cuộc sống của gia đình ông cũng dần ổn định, con cái được đi học đàng hoàng. Đến nay, gia đình ông không còn là hộ nghèo của xã nữa, con cái cũng đã trưởng thành, có gia đình riêng và việc làm ổn định.

Trò chuyện cùng ông, được nghe ông kể về những gian khổ trong chiến tranh và cả cuộc sống đời thường, chúng tôi lại càng thấm thía hơn những vất vả, hy sinh của những người lính năm xưa cũng như càng khâm phục hơn nữa tinh thần tự thân vượt khó của bản chất người lính cụ Hồ. Tuy hiện nay cuộc sống của người thương binh Nguyễn Hữu Quảng vẫn còn nhiều vất vả nhưng với ông luôn tràn đầy niềm vui và tự hào bởi theo ông “Mình còn sống tận hưởng cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay là may mắn lắm rồi chứ còn có biết bao đồng đội, đồng chí đã hy sinh, mãi mãi không về”. Với tinh thần lạc quan đó đã giúp cho ông vượt qua những khó khăn vất vả của cuộc sống đời thường. Giờ đây, trên những bức tường của nhà ông thì bên cạnh những huân chương, huy chương của tuổi thanh xuân (Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng I, II, III; Huân chương chiến công hạng II, III; Huy chương kháng chiến hạng III; Huân chương Ăngco do Nhà nước Campuchia trao tặng) thì ông còn treo 8 chữ vàng “Trọn nghĩa nước non – Vẹn tình đồng đội” của Hội cựu chiến binh Thành phố trao tặng để tự nhắc nhở mình phải sống có ích hơn nữa khi nghĩ về đồng đội.

Có thể thấy, sự cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống của thương binh Nguyễn Hữu Quảng không thể đong đếm bằng vật chất, điều đáng quý và đáng trân trọng đó chính là tinh thần và nghị lực. Dẫu gặp nhiều khó khăn, nhưng ông luôn tìm cách để lao động chân chính, đó cũng là cách mà ông dạy con cái của mình có suy nghĩ đúng đắn và sống thành người có ích. Đằng sau người thương binh, người cha tảo tần vì con là phẩm chất của người bộ đội cụ Hồ dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn trợ ngại. Nói về thương binh Nguyễn Hữu Quảng, ông Đỗ Trọng Quang, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân An Hội cũng đã nhận xét: “Đồng chí Quảng là một tấm gương vượt khó, với ý chí nghị lực của bản thân đến nay đã có cuộc sống ổn định. Chính bản thân đồng chí đã thực hiện đúng lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế”. Đồng chí xứng đáng là người thương binh, tự cứu chính mình và luôn gương mẫu, tham gia tích cực cho các phong trào hội cựu chiến binh và hoạt động địa phương, xứng đáng là người lính Cụ Hồ trong mọi thời kỳ”.

Kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) cả đất nước hướng về các anh hùng, liệt sĩ - những người đã anh dũng hy sinh hay những thương binh đã gởi lại một phần thân thể trên những các vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những người lính may mắn trở về như ông Nguyễn Hữu Quảng vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ vượt qua khó khăn để cuộc sống tốt đẹp hơn. Xin gởi lời tri ân và chúc ông mạnh khỏe, mãi là tấm gương của nghị lực vượt khó, minh chứng của những người thương binh “tàn nhưng không phế”.

THU HÀ


Số lượt người xem: 2161    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm