LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
6
3
5
1
Tin tức 01 Tháng Năm 2015 10:05:00 SA

Sức bật từ một công trình

40 năm sau ngày giải phóng, Củ Chi Đất Thép giờ đã khoác lên mình chiếc áo mới của sự ấm no phồn thịnh. 40 năm, so với lịch sử của dân tộc thời gian không dài nhưng ngần ấy thời gian mà Đảng bộ chính quyền và người dân nơi đây đã làm được nhiều công trình mang đậm dấu ấn “Ý Đảng lòng dân”. Công trình kênh Đông được ví như công trình “địa đạo” nổi trên lòng đất làm thay đổi căn bản kinh tế đời sống của nông thôn Củ Chi.

 

Nhớ lại những năm đầu mới giải phóng nguyên Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Văn Luân (ba Luân) cho biết, sau giải phóng Củ Chi gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn thường trực đói giáp hạt. Cứ khoảng độ tháng tư, tháng năm là người dân phải chạy lo từng bữa ăn. Dù đã có nhiều cố gắng lao động cật lực nhưng đồng ruộng nắng thì khô cằn, khi có mưa thì phèn dậy, sản xuất lúa chỉ một vụ, các loại cây trồng khác năng suất kém. Chú ba Luân còn nhớ rất rõ: “Để đảm bảo lương thực nuôi dân, lãnh đạo của huyện thời điểm những năm 80 phải thông báo cho nhân dân và cấm nấu rượu dưới mọi hình thức. Vì một kg gạo, nếp có thể nấu thành 4 - 5 lít rượu, nên các nhà nấu rượu gom gạo về tích trữ, mà gạo cũng khan hiếm, nên người dân phải sang Long An mua gạo về ăn nhưng cũng không đủ”.

Lão nông Tô Văn On, 75 tuổi ngụ tại ấp Vân Hàn xã Trung Lập Thượng nhớ lại: “Thời ấy nhà nào có ruộng cò bay thẳng cánh mới có lúa gạo ăn quanh năm, riêng gia đình tôi đông con ruộng ít nên cứ tháng năm, tháng sáu là phải ăn độn thêm các loại củ môn, củ mì cho đỡ tốn gạo. Không những vậy, tháng tư nắng nóng nước mạch tắt hết nên nước giếng dùng cho sinh hoạt cũng tắt mạch, muốn có nước phải đào sâu vào lòng đất. Ăn uống thiếu thốn thì đừng có mong gì chuyện xa xôi khác, nội cái chuyện học hành của tụi nhỏ trong xóm trong ấp cũng không tròn”… ông Tô On hồi tưởng.

Chú ba Luân nói: “Để giải quyết vấn đề lương thực, lo cho dân có cái  ăn no đủ, thì phải làm thủy lợi” mà máy móc thiết bị thiếu thốn thế là sức người được huy động tối đa qua nghĩa vụ công ích và tình nguyện của thanh niên nam nữ. Hàng trăm ngàn thanh niên trai trẻ được huy động, phương tiện là cuốc xẻng ngày đêm đào kênh khí thế như những năm đào địa đạo xưa. Ngày xưa đào địa đạo thì phải lén lút và kỷ luật sắt vì sợ địch phát hiện, còn bấy giờ đào kênh Đông, tụi tui hát hò vui vẻ như quên cả mệt nhọc, đào kênh để ruộng đồng mát xanh, để quê hương đổi thay thanh niên tụi tui thay nhau đào ngày này qua ngày nọ để nước sớm về chân ruộng”. Kiện tướng đào kênh Nguyễn Thị Ngỡ, ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng nhớ lại.

Sau một thời gian dài thi công bằng sức người và cơ giới, năm 1985 công trình kênh Đông Củ Chi chính thức được đưa vào sử dụng tưới cho 12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của 12 xã phía bắc Củ Chi. Kênh Đông Củ Chi khẳng định được vai trò phục vụ sản xuất, góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và huyện Củ Chi nói riêng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Đức - Trưởng Phòng Kinh tế huyện cho biết: Khi có nước kênh Đông, ngoài tác dụng tháo chua rửa phèn làm sống dậy những vùng đất hoang hóa như Tam Tân - Thái Mỹ. Nguồn nước này còn giúp cho nông dân yên tâm sản xuất không trông chờ vào thiên nhiên. Từ chỗ chỉ một vụ lúa với các giống địa phương năng suất thấp bà con đã sản xuất được 4 vụ/năm. Trong đó, lúa từ 1,2 - 1,5 tấn/ha/vụ (trước năm 1985), tăng bình quân lên 4,5 tấn/ha/vụ; đậu phộng từ 0,8 - 1,2 tấn/vụ/ha, tăng bình quân lên 3,2 - 3,5 tấn/ha/vụ. Và cứ như thế nông nghiệp của huyện phát triển liên tục. Không dừng lại ở cây lúa, đậu, hoa màu nông dân còn tận dụng nguồn nước để nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước nuôi trồng 1.000 héc ta. Không những vậy kênh Đông còn tạo ra mạch nước ngầm phục vụ cho đời sống dân sinh và sản xuất công nghiệp, đa dạng môi trường tự nhiên cho các loài thủy hải sản sinh sôi phục vụ cho đời sống và cân bằng môi trường sinh thái. Nhờ có công trình thủy lợi, thành phố đã chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản với trên 1.000 ha mặt nước; cấp nước sinh hoạt cho khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Bên cạnh đó, công trình có vai trò quan trọng trong việc đẩy mặn khu vực ven sông Sài Gòn, gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12 và khu vực Bắc Bình Chánh hơn 20.000 ha và phòng chống cháy rừng.

 

Củ Chi giờ đây được xem là nơi có đàn bò sữa lớn nhất của TPHCM với trên 60 ngàn con và là vùng trọng điểm cung cấp các loại rau, củ, quả, gia súc, gia cầm cho nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố và các vùng phụ cận. Mà nguồn nước kênh Đông là điểm nhấn căn bản làm nên thành quả của kinh tế của huyện.

Ông Lê Đình Đức - Trưởng Phòng Kinh tế huyện cũng cho biết thêm để đảm bảo cho công trình phát huy tác dụng về lâu về dài từ ngân sách nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, huyện đã bê tông hóa 575 tuyến kênh tưới, 78 tuyến kênh tiêu với chiều dài 582 km. Từ ngân sách thành phố đã đầu tư xây dựng hai nhà máy nước Tân Thông Hội với công suất 240 ngàn m3/ngày đêm và Khu công nghiệp Tây Bắc 150 ngàn m3, trong đó nhà máy nước Tân Thông Hội đang cung cấp 180 ngàn m3/ngày đêm cho thành phố Hồ Chí Minh. Tới đây, để đảm bảo nước sạch cho người dân sử dụng theo chỉ đạo của Thành ủy - UBND thành phố, huyện và Công ty cấp nước Sài Gòn Sawaco đang xúc tiến đầu tư công trình nước sạch để 100% hộ dân ở Củ Chi có nước sạch sinh hoạt vào năm 2020. Trước mắt cuối năm 2015 sẽ có 12 xã và thị trấn của huyện có nước sạch sử dụng.

 

Ngày qua ngày hệ thống kênh Đông Củ Chi đang lặng lẽ mang dòng nước ngọt từ Hồ Dầu Tiếng về tưới mát ruộng vườn, cho lúa thêm trĩu hạt, cây trái thêm trĩu quả. Trong dòng chảy ấy có cả mồ hôi nước mắt của bao thế hệ người dân nơi đây đã lao động đêm ngày giữ cho dòng kênh mãi xanh. 30 năm đưa vào phục vụ, hôm qua kênh Đông Củ Chi có nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, hôm nay kênh Đông lại có thêm nhiệm vụ mới phục vụ đời sống dân sinh của người dân thành phố

 Nguyễn Văn Tài 


Số lượt người xem: 3579    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm