LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
8
8
4
1
3
Tin tức 22 Tháng Hai 2015 8:45:00 SA

Xuân thêm niềm vui từ những mô hình giảm nghèo

Trong không khí cả nước Mừng Đảng - mừng xuân, huyện Củ Chi cũng góp thêm một niềm vui mới khi tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện chỉ còn 3.78%, vượt chỉ tiêu dưới 5% do thành phố quy định. Để đạt được kết quả đó, từ những ngày đầu giải phóng, huyện đã xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cùng với nhiều cách làm hay và mô hình mới đã khơi dậy ý chí vươn lên của mỗi người dân, giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo mỗi năm.

 Mô hình “1+5” - Phép cộng từ tấm lòng

Nếu thời chiến, trong lòng đất “thép”, nơi những hầm địa đạo tự đào, nhân dân Củ Chi một lòng nuôi giấu cán bộ chiến sĩ, bảo vệ cán bộ như bảo vệ người con, người anh, em ruột thịt trong gia đình. Ngày nay, trong thời bình, để đáp lại ân tình đó, các cán bộ, đảng viên cũng tiếp tục duy trì mối quan hệ “cá – nước” ngày trước trong công tác giảm hộ nghèo, tăng hộ khá.

Bắt đầu triển khai thực hiện cách đây gần 5 năm, “Mô hình 1+5” ra đời với mục đích tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo theo chủ trương của thành phố về chuẩn nghèo giai đoạn 3 (2009 - 2013) mức thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm và chuẩn nghèo giai đoạn (2014 – 2015) mức thu nhập bình quân từ 16 triệu đồng/người/năm. Dựa trên tình hình thực tế tại địa phương, Đảng ủy xã Thái Mỹ đã phân công 34 cán bộ, đảng viên tham gia giúp đỡ hỗ trợ 170 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn xã. Từ chủ trương trên, cứ 1 cán bộ phụ trách chăm lo cho 5 hộ nghèo, cận nghèo. Riêng năm 2014, 124 hộ có hoàn cảnh khó khăn đã được 25 cán bộ xã trực tiếp hỗ trợ. Bằng biện pháp thường xuyên theo dõi đời sống và nhu cầu thực tế của các hộ dân được phân công phụ trách, từ đó, vận động giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần cho các hộ dân. Trong quá trình thực hiện, các cán bộ, đảng viên tự vận động 236 phần quà tặng hộ nghèo, với tổng số tiền gần 37 triệu đồng. Giới thiệu cho vay vốn xóa đói giảm nghèo 115 lượt, số tiền 1 tỷ 636 triệu đồng. Giới thiệu cho lao động làm việc trong các công ty xí nghiệp trong và ngoài huyện, trong các cơ sở sản xuất của xã 252 lao động. Đào tạo nghề cho 125 lao động. Cấp 369 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và bán 523 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo. Xây dựng 139 căn nhà tình thương, nâng tổng số nhà tình thương lên 538 căn. Trong năm 2014, đã có 49 căn nhà tình thương, hơn 90 phần quà, trị giá gần 14 triệu đồng đã được trao đến tay từng người dân. Không chỉ tập trung chăm lo trong dịp lễ, tết, những ngôi nhà tình thương đúng lúc, những suất học bổng kịp thời, những chiếc thẻ bảo hiểm miễn phí luôn có sẵn chờ bà con đến nhận đã trở thành một “nét đẹp” trong công tác giảm nghèo của xã Thái Mỹ.

Không chỉ dừng lại ở hiệu quả giảm số hộ nghèo, tăng cường chăm lo cho bà con hộ nghèo, cận nghèo, “Mô hình 1+5” còn cho thấy hiệu quả khác nhìn từ góc độ của một người quản lý. Bà Dương Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ nhận định: “Ngoài việc quản lý chăm lo cho hộ nghèo của các ấp, các tổ tự quản giảm nghèo. “Mô hình 1+5” còn tạo điều kiện để mỗi cán bộ đi sâu sát hơn với nhân dân và nhất là những hộ nghèo trong chương trình. Qua đó, nắm bắt được đời sống, những tâm tư nguyện vọng của họ để kịp thời đề xuất và hỗ trợ giúp họ có thêm thu nhập ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện. Nếu đầu năm 2011, xã Thái Mỹ có 500 hộ nghèo, thông qua “mô hình 1+5”, đến cuối năm 2013 xã còn lại 19 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0.6% so với tổng số hộ dân. Và thực hiện giai đoạn 2014 - 2015 với mức thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2014, xã chỉ còn 50 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,47% so với tổng số dân toàn xã. Từ mô hình đã khơi dậy được tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng nơi các cán bộ, đảng viên. Nhiều cán bộ còn tự tiết kiệm tiền lương của mình để chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo do mình quản lý. Ngoài việc chăm lo về vật chất các cán bộ được phân công quản lý còn thường xuyên đến nhà động viên thăm hỏi giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm niềm tin và động lực vươn lên trong cuộc sống, tăng thêm tình cảm gắn bó giữa cán bộ và người dân”.

Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Kim Dung, ấp Mỹ Khánh B vào một ngày xuân se se lạnh, chị dẫn chúng tôi đến thăm con bò ta cái chị đã mua gần một năm nay. Chị vui vẻ cho biết: “Được cán bộ giảm nghèo xã giới thiệu, gia đình tôi vay 20 triệu từ Quỹ xóa đói giảm nghèo xã mới mua được con bò này. Khi nào con bò nó có con, rồi mình trả được số vốn đã vay, rồi từ từ mới có dư. Hai vợ chồng không có ruộng nên chỉ làm thuê làm mướn. Chồng thì làm thợ hồ, ai kêu thì làm, còn tôi thì ở nhà chăm mấy đứa nhỏ, cơm nước, nuôi thêm mấy con gà, con heo nhưng cũng không kiếm ra được là bao, cuộc sống vì vậy thiếu trước hụt sau. Nói chung, ấp xã giúp đỡ nhiều lắm, có quà gì cũng mang đến cho, đứa con gái thứ hai đi học xã cũng cho học bổng. Nhờ xã giúp đỡ nên cuộc sống gia đình đỡ nhiều lắm, mình có vốn làm ăn, từ đó có tiền mà nuôi con ăn học”.

Gia đình cô Phạm Thị Hồng Lam, ấp Mỹ Khánh B cũng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của xã và sự giỏi giang, hiếu thảo của hai người con gái, gia đình cô từ một hộ nghèo nhất nhì xã Thái Mỹ, nay đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Cô Lam mang trong mình căn bệnh suy thận mãn, mỗi tuần phải 3 lần lên bệnh viện huyện chạy thận. Sức khỏe yếu, gia đình đơn chiếc, hai con vẫn còn đi học không thể thay mẹ gánh vác gia đình nhưng với sự hỗ trợ kịp thời của “Mô hình 1+5” cùng với sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của mỗi cá nhân trong gia đình, cảnh nghèo khó chỉ còn là quá khứ. Cô chia sẻ: “Đối với một người bệnh tật như tôi thì cái bảo hiểm y tế là quan trọng nhất. Không có bảo hiểm y tế thì tiền đâu mà trả cho hết viện phí. Nhờ có các cán bộ của xã luôn quan tâm, để ý nên lúc nào tôi cũng có bảo hiểm y tế để chữa bệnh. Cái này vừa hết hạn là có cái khác liền, không bao giờ chậm trễ cả”.

Mô hình giảm nghèo từ chăn nuôi bò sữa

 

“Nhờ nuôi bò sữa nên gia đình tôi mới thoát khỏi cảnh nghèo!” – Đó là câu nói “cửa miệng” của rất nhiều bà con xã Tân Thạnh Đông. Nhắc đến Tân Thạnh Đông là nhắc đến xã “Bò sữa” điểm của toàn huyện Củ Chi và cả thành phố Hồ Chí Minh. Với lợi thế từ địa hình, tài nguyên đất và nước sẵn có, hiện nay tổng đàn bò sữa của xã đã có trên 19.000 con, trong đó, có hơn 10.000 con đang cho sữa. Không những thế, đối với Tân Thạnh Đông bò sữa còn là vật nuôi xóa đói giảm nghèo của nhiều hộ dân. Thông qua mô hình giảm nghèo từ chăn nuôi bò sữa, rất nhiều gia đình đã thoát nghèo, thu nhập ổn định và vươn lên khấm khá từng ngày.

Để đạt được hiệu quả như ngày hôm nay, từ những năm 1990, huyện Củ Chi đã xác định phát triển bò sữa là bước đi đột phá, hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân nghèo. Tuy vậy, để bắt đầu chăn nuôi bò sữa, nông dân cần có một số vốn khá lớn, đa phần họ chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên xã Tân Thạnh Đông kết hợp cùng Trạm Khuyến nông huyện đã có nhiều hình thức giúp nông dân yên tâm chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Với mục đích xóa bỏ cơ chế cho không, chuyển dần sang hướng “cho cần câu không cho con cá”; rất nhiều hộ dân chí thú làm ăn, có hứng thú với con bò sữa đã được Quỹ xóa đói giảm nghèo cho vay vốn mua một con bò cái đã mang thai. Số vốn cho vay dao động từ 10 đến 20 triệu đồng. Ngoài việc cho vay vốn, xã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cử cán bộ Hội nông dân xã, cán bộ thú y thường xuyên quan tâm giúp đỡ những hộ dân mới nuôi, chưa có kinh nghiệm sản xuất. Đến nay, xã có gần 2.000 hộ đã vay vốn chăn nuôi bò sữa. Trong số đó có hộ của anh Nguyễn Hòa Bình, ấp 2A, xã Tân Thạnh Đông. Theo đúng như lời vợ anh, chị Nguyễn Thị Oanh miêu tả về tình cảnh gia đình ngày trước: “Gia đình tôi ngày xưa khổ dữ lắm, hai vợ chồng không có cái gì hết, không có nhà mà ở nữa. Nói chung là khổ cùng đường”. Trong cảnh nghèo đói những tưởng không có lối thoát nào cho gia đình, thế nhưng, cuộc đời đôi khi cũng không nỡ đẩy những con người vốn đã không may mắn vào tình cảnh nghiệt ngã. Năm 1995, nhận được sự giới thiệu của Chi hội nông dân ấp 2A, anh Bình vay 15 triệu từ Quỹ xóa đói giảm nghèo xã để mua con bò sữa đầu tiên. Sau nửa năm, con bò cái đẻ một con bò cái con và bắt đầu cho sữa. Nhờ chăm sóc tốt, mỗi ngày con bò của anh cho 15kg sữa/con. Ba năm sau, anh đã trả xong vốn vay. Tính đến nay, gần 10 năm nuôi bò, gia đình anh có 9 con bò cái và 2 con bò đực, gia đình đã thực sự thoát khỏi tình cảnh khó khăn trước đây. Anh Bình cho biết “Mỗi ngày, bò nhà tôi cho khoảng 40 kg sữa, tính ra mỗi tuần thu về được 4 triệu đồng, trừ mọi chi phí, gia đình tôi lãi trên 4 triệu đồng/tháng”.

Nói đến tấm gương thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả không thề không nhắc đến gia đình bà Võ Thị Huệ, ấp 6, xã Tân Thạnh Đông. Là gia đình có công với cách mạng, nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ của xã, bà đã được vay vốn và từng thử sức với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau nhưng chỉ đến khi chuyển sang nuôi bò sữa từ năm 1998, kinh tế gia đình bà mới thật sự ổn định. Nhờ nuôi bò sữa, bà đã có đủ điều kiện nuôi dưỡng 5 người con ăn học, có thêm vốn đầu tư trồng các loại rau quả ngắn ngày như: Ớt, dưa leo. Trừ mọi chi phí, tổng thu nhập một năm từ việc trồng trọt và chăn nuôi 13 con bò cái, gia đình bà thu về khoảng 120 triệu đồng. Năm vừa qua, từ cái nền ngôi nhà tình nghĩa xã cấp năm 2004, gia đình bà đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi hơn. Bước vào cái tuổi xế chiều, bà Huệ đã nghỉ ngơi, công việc chăn nuôi hiện tại bà đã giao cho người con trai lớn.

Từ ngày bắt đầu triển khai mô hình thấm thoát đã gần 25 năm. Nhớ lại những ngày đầu chỉ có khoảng 20 hộ tham gia nuôi bò sữa, cho đến nay, con số đó đã nhân lên thành hàng trăm, hàng ngàn hộ. Cũng nhờ vậy, số hộ nghèo của toàn xã, năm 2014 chỉ còn 297 hộ, chiếm tỷ lệ 3,1%. Anh Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thạnh Đông phấn khởi cho biết thêm “Một điều đặc biệt đối với việc triển khai mô hình giảm nghèo từ chăn nuôi bò sữa tại Tân Thạnh Đông đó chính là những hộ nghèo vay vốn, đầu tư nuôi bò đa phần là những hộ không hề có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò. Chính vì thế, ngoài việc triển khai thực hiện mô hình, hỗ trợ vốn, địa phương còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tư vấn phòng ngừa và trị bệnh cho bò, để bà con chăn nuôi bò có cơ hội học tập, trao dồi kinh nghiệm. Ngoài ra, các Chi hội nông dân ấp cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ từng hộ nghèo. Từ việc sử dụng nguồn vốn hợp lý, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật rất nhiều hộ dân của xã Tân Thạnh Đông đã phát triển kinh tế gia đình, đời sống tiến triển vượt bậc”.

Ý tưởng khả thi, quá trình thực hiện sáng tạo, sự quyết tâm “Giảm nghèo tăng hộ khá” của chính quyền từ huyện đến xã, ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo của bà con nhân dân là những yếu tố quyết định sự thành công của những mô hình giảm nghèo có hiệu quả thời gian qua. Nếu mỗi xã – thị trấn đều xác định được hướng đi, một mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa phương như xã Thái Mỹ và Tân Thạnh Đông, chắc chắn rằng, những mùa xuân tiếp theo, đời sống nhân dân huyện sẽ ngày càng sung túc, góp phần thực hiện thành  công chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Củ Chi.

Thiên Lý 


Số lượt người xem: 3944    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm