LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
2
7
5
7
6
Tin tức 29 Tháng Giêng 2011 3:45:00 CH

VỀ CỦ CHI XEM NÔNG DÂN LÀM GIÀU

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng trước đây, họ đều là những nông dân cơ cực, nghèo khó, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" lam lũ với ruộng đồng, vậy mà cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Song thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như được sự giúp đỡ về mọi mặt của Hội nông dân cộng với sự cần cù chịu khó, ham học hỏi nên họ đã kịp thời nắm bắt mọi thời cơ để sản xuất, vực dậy kinh tế gia đình và giờ đây họ đã là những nông dân triệu phú.

TRIỆU PHÚ BÒ SỮA:

Đến với trang trại chăn nuôi bò sữa của ông Phạm Văn Vũ ở ấp Xóm Trại xã An Nhơn Tây, chúng tôi thaật sự cảm phục tấm gương vượt khó, quyết chí vượt khó của ông. Ông đến với nghề nuôi bò sữa rất sớm từ năm 1995, khi đó chương trình quốc gia về nuôi bò sữa được triển khai ở huyện Củ Chi. Theo phong trào ông gom góp vốn của gia đình mua được hai con bò cái về nuôi.

Do tuổi còn quá trẻ mà lại là lần đầu tiên tiếp xúc với nghề chăn bò sữa nên rất nhiều khó khăn. Ông chia sẻ: “Lúc đầu, tui chỉ nuôi bò ta thôi, nhưng thấy bò sửa đang phát triển nên nuôi thử. Thú thiệt, tui đâu biết gì, từ khâu vắt sữa sao cho có nhiều sữa mà lại tránh được bệnh viêm vú cho bò, kế đến cách phòng bệnh, chữa bệnh, tỷ lệ dinh dưỡng trong thức ăn... đủ thứ hết, nhưng hỏng lẻ thấy khó khăn như vậy rồi bỏ cuộc hay sao. Mình đã chọn con bò sữa làm kế sinh nhai cho gia đình thì phải quyết tâm làm cho ra trò chứ”. Với suy nghĩ đó, cộng với bản tính không ngại khó, ông mày mò mua sách kỹ thuật về tham khảo và đi đây đó học tập kinh nghiệm ở một số hộ nuôi bò giỏi ở huyện Hóc Môn, tỉnh Bình Dương và nhất là thường xuyên đến các gia đình nông dân chăn nuôi bò có qui mô trong huyện để học hỏi và phát triển đàn bò.

Sau hơn 15 năm, hiện nay đàn bò sữa của ông đã có 40 con, trong đó có hơn chục con đang cho sữa với năng suất sữa khoảng 100 kg/ngày, thu nhập khoảng trên 30 triệu đồng/tháng. Trang trại của ông Vũ là một trong những trang trại nuôi bò sữa có hiệu quả, gần như toàn bộ từ khâu cho ăn, tắm rửa, vệ sinh chuồng trại và vắt sữa đều được cơ giới hóa, nhất là hệ thống vắt sữa đã sử dụng hoàn toàn bằng máy móc, vừa đảm bảo vệ sinh vừa tăng thêm lượng sữa mà lại tránh được bệnh viêm vú cho bò. Ngoài nuôi bò ông còn nuôi thêm heo, trước đây ông nuôi cả chục heo nái và vài chục heo con, nhưng do đàn bò ngày một phát triển nên hiện tại ông chỉ nuôi 3 con nái và vài ba chục con heo thịt. Ông cười vui: “Heo sao bằng bò sữa, con bò sữa đã giúp nhiều bà con mình làm giàu mà. Nhưng có bò sữa lại có heo thì kinh tế gia đình cũng có thêm chút đỉnh. Nông dân mà, làm gì được cứ làm, chỉ sợ mình không chịu làm mà thôi”.

Không chỉ biết làm giàu cho gia đình mình mà ông Vũ còn thường xuyên giúp đỡ con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân trong và ngoài xã. Nhờ sự tận tình hướng dẫn và cũng chính từ tấm gương chăn nuôi giỏi của ông đã thu hút bà con nông dân học tập, nhân rộng mô hình phát triển đàn bò sữa của gia đình. Nói về ông Vũ, không chỉ bà con trong xã An Nhơn Tây mà nhiều bà con ở các xã lân cận đều hết lời khen ngợi, ông là một trong những người nòng cốt đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò sữa có hiệu quả và biết quan tâm tới bà con, giúp bà con trong việc chăm sóc điều trị bịnh cho bò mà không hề lấy một đồng tiền thù lao nào. Bởi theo ông Vũ: “Tui nhớ hoài hồi mới chập chững nuôi bò, khó khăn đủ thứ, mất ăn mất ngủ khi bò bị bệnh, rồi thức ăn không đủ khẩu phần dinh dưỡng, bò cho ít sữa mà sữa cũng không đạt chất lượng… Ui đủ thứ chuyện, phải mất một thời gian mới cứng nghề như bây giờ. Vì vậy tui rất cảm thông cho bà con nên giúp gì được thì tui giúp”. 

Chính từ những việc làm ý nghĩa đó, trong 5 năm qua ông Vũ luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cũng 5 năm liền ông đạt gia đình văn hóa. Ông đỡ đầu nhiều hộ nông dân nghèo vượt nghèo, giúp 1 hộ vượt nghèo và đỡ đầu 5 hộ khác vươn lên phát triển vào tổ chức Hội.

            Với những thành tích trên năm 2008 ông đã nhận bằng khen của UBND Thành phố; Kỷ niệm chương Vì giai cấp nông dân, nhiều giấy khen của UBND – Hội nông dân huyện, xã và năm 2010 vừa qua ông vinh dự được bình chọn là “Người nông dân tiêu biểu” cấp Thành phố, được UBND thành phố tặng bằng khen và Huy hiệu thành phố Hồ Chí Minh.

NGƯỜI THẦY CỦA NHỮNG MÔ HÌNH TRỒNG HOA KIỂNG:

Là người con của huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre - cái nôi của nghề trồng hoa kiểng và cây ăn trái, năm 1992 ông Trịnh Minh Tân về ấp Cây Da xã Tân Phú Trung lập nghiệp. Sau nhiều năm sống chết vì cũng "bám trụ" với hoa kiểng, nên giờ đây không chỉ là chủ của một trang trại trồng hoa kiểng với đủ chủng loại qúy mà ông còn là một bậc thầy dạy nghề miễn phí cho không ít người yêu thích hoa kiểng trong và ngoài huyện.

Vườn kiểng của ông có diện tích 5 ha, nhưng có đến 600 loại cây kiểng bonsai, các loại cây làm kiểng khác. Mỗi năm, nhất là vào dịp tết vườn kiểng của ông cung cấp ra thị trường 3 đến 4 ngàn cây các loại.

 

Riêng dịp tết nguyên đán Tân Mão 2011 này ông sẽ đưa ra thị trường 2.000 cây tắc khế, 200 đến 300 cây bonsai và một số hoa kiểng khác. Ông cho biết do thị trường hoa kiểng đang “lên ngôi” nhiều loại kiểng qúy hiếm rất đắt nhưng vẫn không đủ bán. Nhờ vậy mà thu nhập cũng tương đối, khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Ông bộc bạch: “Thú mê hoa kiểng nó đã ăn sâu trong máu thịt của mình rồi, nên cứ bận rộn suốt, nay đây mai đó tìm thị trường tiêu thụ, tìm cây kiểng qúy về để nhân giống. Cứ vào tháng giáp tết là tôi lại ngược xuôi về các tỉnh miền Tây, nhất là về quê Bến Tre để tìm cây kiểng qúy. Đi đi về về suốt, tuy cực nhưng mà vui”. Ông còn khoe với chúng tôi ông vừa thuê thêm 2 ha đất của bà con gần trong xóm để mở rộng diện tích. Hơn hai năm sau, vườn kiểng này cũng cho thu nhập đáng kể.

Không chỉ chú trọng đến việc phát triển trang trại hoa kiểng – bonsai của mình, mà ông còn dành thời gian để dạy nghề, hướng dẫn cách tạo dáng, chăm sóc cây kiểng cho bà con. Bởi theo ông, việc làm này chỉ nhằm để giúp nông dân tạo ra thêm nhiều cây kiểng và hướng tới có giá trị xuất khẩu. Với suy nghĩ đó, ông còn soạn thêm phần "Phương pháp nâng tay nghề để hội nhập quốc tế". Ông Trịnh Minh Tân chia sẻ: "Sản phẩm hoa kiểng của mình không đủ cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Để lắp dần khoảng trống này nên tôi truyền nghề cho bà con nông dân cùng trồng kiểng với mình". Tính từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm ông đã cùng với Trung tâm hỗ trợ nông dân, Hội nông dân thành phố, huyện mở 3 lớp dạy nghề cho hơn 100 nông dân, trong đó có nông dân ở các quận huyện thành phố và tận tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An, thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai... tất cả đều miễn phí, ông không hề lấy một đồng thù lao nào. Ông chủ động soạn giáo án và tự đặt nội dung của bài giảng và in gởi cho Hội nông dân góp ý trước khi dạy. Với thời lượng mỗi tuần một buổi và mỗi lớp kéo dài 10 tuần lại gắn lý thuyết với thực hành theo kiểu cầm tay chỉ việc nên bài giảng về "Tạo dáng cây bonsai", "Nuôi trồng hoa mai"... trở nên dễ hiểu dễ thuộc, dễ làm với học viên lâu nay chỉ biết chăm bẩm trồng lúa. Nhiều nông dân bày tỏ: "Ông Tân dạy dễ hiểu lắm. Chúng tôi về áp dụng là được liền".

Với những gì mà ông đã đóng góp cho nghề trồng hoa kiểng của huyện Củ Chi nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung, ông thật xứng đáng với những phần thưởng đã được trao tặng, trong đó nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và thành phố. Riêng năm 2010 ông là một trong những nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và vinh dự được chọn tham dự Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VIII vừa diễn ra vào cuối tháng 12/2010 vừa qua.

 

(Thu Chung, 29/01/2011)


Số lượt người xem: 18022    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm