LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
2
8
0
1
9
Tin tức 22 Tháng Tư 2021 9:35:00 SA

Huyện Củ Chi từng bước xây dựng nền nông nghiệp đô thị bền vững

Cách đây 46 năm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi gần như chẳng có gì ngoài phương thức sản xuất lạc hậu. Nhưng bằng nỗ lực vượt bậc của người dân, sự đầu tư kịp thời của Đảng và Nhà nước, đến nay sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những bước tiến vượt bậc với màu xanh bạt ngàn trên các cánh đồng rau, sắc hoa sặc rỡ của những vườn lan dài thẳng tắp. Bộ mặt nông thôn của huyện từng bước đổi thay và đang hướng đến sự phát triển bền vững trong những năm tới.

Từ bước khởi đầu

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), huyện Củ Chi chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Kinh tế nông nghiệp lạc hậu thấp kém mang tính tự cấp tự túc. Phần lớn ruộng chỉ canh tác một vụ lúa vào mùa mưa với năng suất thấp (dưới 2 tấn/ha). Mặt khác, lực lượng lao động, trâu bò cày kéo, vật tư nông nghiệp khan hiếm nhất là phân bón, thuốc trừ sâu, ruộng lúa hoa màu bị sâu rầy tàn phá làm cho năng suất đã thấp lại càng thấp hơn. Vì vậy, Củ Chi cùng toàn Thành phố và bước vào công cuộc cách mạng mới, tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn thử thách làm nên sự chuyển biến nền kinh tế nông nghiệp địa phương.

Để khôi phục và phát triển nông nghiệp, huyện chủ trương đẩy mạnh công tác nông nghiệp bằng các chương trình thủy lợi, khai hoang, xây dựng khu kinh tế mới, xây dựng nông trường, các tập đoàn sản xuất...  Toàn huyện tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, cùng Thành phố đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế đi dần vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nền kinh tế của huyện đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, thu nhập của người dân từng bước được nâng lên. Năm 2005, huyện Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Từ năm 2006 đến nay, huyện tập trung đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, phát triển nền nông nghiệp đô thị. Đặc biệt, huyện đề ra nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện Củ Chi. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nền nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng nền nông nghiệp đô thị. Huyện đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường phối hợp với khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố cung ứng giống cây, con có chất lượng tốt phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện; Khuyến khích việc đầu tư phát triển cơ sở chế biến nông sản, chế biến thức ăn tinh phục vụ chăn nuôi; phát triển một số doanh nghiệp có khả năng thực hiện liên kết trong sản xuất - chế biến và tiêu thụ hàng nông sản. Rà soát và xác định lại quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung; tiếp tục vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị và hiệu quả kinh tế cao; nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả; tận dụng, khai thác triệt để đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư, không để đất hoang hóa; sử dụng hợp lý có hiệu quả các chính sách hỗ trợ vốn của Nhà nước về nông nghiệp, định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất. Củng cố, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp. Tăng cường mối liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp theo hướng đầu tư khép kín, đảm bảo duy trì ổn định tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phát huy hiệu quả công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, tăng cường công tác thú y, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch mạnh mẽ và đúng định hướng; giảm dần diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, tăng diện tích cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với nông nghiệp đô thị như hoa lan, cây kiểng, rau an toàn, bò sữa.

Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 7.400 hộ chăn nuôi trâu bò với tổng đàn trên 82.000 con. Có gần 500 con bò sữa được chăn nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao như áp dụng công nghệ tưới phun sương, phối trộn thức ăn bằng máy theo công thức TMR, vắt sữa bằng máy. Tổng số hộ chăn nuôi heo hơn 1.400 hộ với tổng đàn gần 80.000 con, trong đó có 826 hộ được cấp giấy chứng nhận VietGAP với 16.000 con được chăn nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao. Diện tích nuôi cá cảnh là 21,2 ha, trong đó có 16,133 ha ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả kinh tế khoảng 2,4 tỷ đồng/ha. Tổng diện tích rau an toàn là 1.337 ha, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao là 261,576 ha, hiệu quả kinh tế gần 1,5 tỷ đồng/ha. Hoa lan, cây kiểng có diện tích 327,32 ha, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao 8,96 ha.  

Đến những mô hình bạc tỷ

Trong quá trình phát triển của nền nông nghiệp, ở Củ Chi đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Trong đó, phải kể đến ông Huỳnh Đoàn Thông, ngụ ấp 3, xã Phạm Văn Cội. Ông đẩy mạnh sản xuất hạt giống giúp ích cho nông dân. Gần 15 năm với những nghiên cứu, tìm tòi, đến nay, ông đã sản xuất được trên 10 loại giống rau, củ, quả chất lượng cao như: ớt hiểm, ớt sừng, dưa leo, khổ qua, cà tím... đang được thị trường trong nước và xuất khẩu rất ưa chuộng.

Tương tự chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền -  Giám đốc Hợp tác xã Hoa Lan Huyền Thoại ngụ xã An Nhơn Tây quyết định chuyển đổi mảnh đất rộng 4 ha đang trồng cao su thành vườn trồng lan với 300 luống lan. Đồng thời, ứng dụng cơ giới hóa vào trồng trọt như đầu tư làm hệ thống tự động tưới tiêu nước, thuốc và phân bón; xây dựng nhà lưới để giữ ẩm và nhiệt độ cho hơn 100.000 gốc lan Mokara. Chị đã chủ động liên kết với một số hộ sản xuất có quy mô lớn trên địa bàn huyện Củ Chi để hình thành Hợp tác xã hoa lan Huyền Thoại đều là những chủ vườn lan có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất và có thị trường tiêu thụ ổn định tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một phần thị trường Campuchia.

Còn anh Phạm Thành Lộc, xã Tân Thạnh Đông đã chế tạo chiếc máy trồng rau Ero-farm bằng công nghệ khí canh trụ đứng để tiết kiệm chi phí đầu tư và nâng cao tối đa năng suất sản xuất trên mỗi m2 đất trong 1 chu kỳ. Được thiết kế liên hoàn với 156 chỗ trồng (diện tích 4 m2) với nhiều loại rau ăn lá, ăn trái, rau mùi… máy có thể phục vụ sản xuất rau quy mô lớn hơn với công suất 1.028 chỗ trồng tương đương 28 m2. Với thiết kế tiện dụng, người trồng rau chỉ mất 5 phút mỗi ngày chăm sóc vườn rau ngay tại ngôi nhà của mình. Hiện tại công nghệ này có thể cho năng suất tối đa 60kg/m2/chu kỳ, không thua kém với công nghệ của Mỹ và Israel nhưng giá thành đầu tư thấp hơn vì được nghiên cứu phát triển trong nước. Anh tâm huyết và mong muốn sản phẩm của mình tạo ra sẽ phủ xanh các sân thượng, ban công, cửa sổ của những hộ gia đình Việt. Đến nay máy trồng rau Ero-farm không những mang lại mảng xanh mới hữu dụng cho gia đình, nguồn rau sạch cung cấp thường xuyên cho các thành viên mà còn tạo ra không gian mới để gắn kết mọi người sau những giờ làm việc tất bật tại nơi đô thị.

 

 

 

 

Nông nghiệp Củ Chi có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của người dân, còn nhờ các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi phục vụ nước tưới sản xuất. Đặc biệt, các chương trình, các dự án chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp mà các cấp, các ngành từ huyện đến các xã đã mang lại hiệu quả thiết thực, diện mạo nông thôn thay đổi từng năm.

Trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu nền nông nghiệp tăng bình quân 5,21%/năm, cơ cấu đạt 5,3%. Giải pháp đặt ra là huyện  quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi, trồng trọt; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết, có truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chú trọng công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, nhất là bò sữa, hoa lan, rau an toàn, phát triển các loại cây dược liệu, có giá trị kinh tế cao.

Có thể nói, sau 46 năm, từ một nền nông nghiệp lạc hậu và phụ thuộc vào tự nhiên, đến nay Củ Chi đã có một nền nông nghiệp đô thị từng bước bền vững với các loại cây, con mang lại giá trị kinh tế cao, giúp hàng ngàn nông dân trên địa bàn huyện có cuộc sống ấm no. Bộ mặt nông thôn đang đổi thay từng ngày. Rồi mai đây khi chương trình nông thôn mới thực hiện sẽ là động lực lớn giúp kinh tế nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững.

Yên Nhung

 

Hướng đến sự phát triển bền vững


Số lượt người xem: 2035    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm