LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
8
0
9
4
Tin tức 18 Tháng Chín 2018 9:10:00 SA

Những người nữ du kích kiên trung

Lòng căm thù giặc sâu sắc, tình yêu quê hương đất nước sâu nặng đã giúp cho những người nữ du kích vượt qua muôn ngàn hiểm nguy, cống hiến tuổi thanh xuân và chiến đấu hăng say để góp sức cùng giành lấy độc lập tự do.

 

CỐNG HIẾN TUỔI THANH XUÂN

 

Cô Võ Thị Trong (Sáu Trong) quê ở ấp Phú Hòa, xã Phú Mỹ Hưng. Mười ba tuổi, cô đến với cách mạng. Cô làm Đội trưởng thiếu nhi ấp Phú Hòa, tham gia các hoạt động liên lạc cho cách mạng. Cô cùng bạn bè tham gia đào chiến hào, vót chông. Khi 15 tuổi, cô trở thành nữ du kích ấp Phú Hòa và xin trực tiếp tham gia đánh giặc. Năm 1967, cô được chọn vào Trung đội nữ Du kích Củ Chi. Tiếp tục kế thừa truyền thống anh dũng của các nữ Đội trưởng trước kia, cô Võ Thị Trong, người Trung đội Trưởng cuối cùng của Trung đội Nữ Củ Chi từ năm 1973-1975 cũng không thua kém các chị đi trước. Cô sát cánh cùng lực lượng du kích của các xã vừa hoạt động bí mật vừa hoạt động công khai. Để hoàn thành nhiệm vụ, cô cải trang thành tiểu thư, thôn nữ, thậm chí là thương gia để hoạt động. Cô xuất quỷ nhập thần, trừng trị nhiều tên chỉ điểm hoặc ác ôn khét tiếng chuyên đánh phá, bắt bớ cán bộ cách mạng.

Cô Lê Thị Vân tham gia công tác thanh niên ở xã Phú Hòa Đông từ năm 1960. Là Tổ trưởng dân công hỏa tuyến, phối hợp với dân quân trực tiếp tham gia tải thương, tải đạn, phục vụ chiến đấu, đào địa đạo, phá hoại cầu, đường,… Cô còn tuyên truyền vận động thanh niên tòng quân đánh giặc. Đến năm 1964, cô thoát ly gia đình, làm công tác thanh niên và phụ nữ tại địa phương. Nhiệm vụ của cô lúc này là xây dựng cơ sở nòng cốt cho phong trào cách mạng, thúc đẩy đấu tranh chính trị; đặc biệt là tạo dựng cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ địch, xây dựng du kích mật,… 

Cô Nguyễn Thị Nhị (Ba Nhị) tham gia cách mạng năm 1968, lúc đó cô mới 17 tuổi. Cô là du kích mật của xã Tân Thạnh Đông, đảm nhận nhiệm vụ xã Đội phó. Nhiệm vụ của cô là làm nồng cốt đấu tranh chính trị, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào việc chống bọn bình định, chống lại mưu mô của địch, làm công tác binh vận, khơi gợi binh lính địch rã ngũ mang súng về giao nộp cho cách mạng. Bên trong ấp chiến lược, cô còn có nhiệm vụ diệt ác.

Cô Sáu Trong hiện đang ngụ tại quận 12. Cô Vân đang ngụ xã Phú Hòa Đông. Cô Ba Nhị đang ngụ xã Tân Thạnh Đông. Gặp gỡ, nói chuyện với các cô, chúng tôi rất ấn tượng và cảm động trước những người con gái Du kích-những con người anh hùng đã lựa chọn con đường đi theo cách mạng, làm Du kích của lực lượng ta trong ấp chiến lược khi tuổi đời còn rất trẻ 15, 17 tuổi. Ở độ tuổi ấy, dù sống trong lòng địch nhưng tư tưởng các cô vẫn thoải mái vì có niềm tin sâu sắc vào lý tưởng cách mạng. Với tấm lòng kiên trung theo Đảng và tình yêu quê hương sâu đậm, các cô hăng say thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao. Những người đồng chí, đồng đội của các cô khi ấy người nào cũng chỉ mười tám đôi mươi, cái độ tuổi xuân thì phơi phới. Vậy nhưng, các cô nói, sống trong lòng địch, cùng đối diện với hiểm nguy, chị em trong nhóm luôn trao cho nhau niềm tin quyết thắng, cùng chăm sóc, động viên nhau trong cuộc sống cũng như trong thực hiện công việc mà cách mạng giao. Các cô kể, mỗi nhiệm vụ của các cô rất khó khăn, rất nguy hiểm và phải bảo đảm bí mật. Khi nhận được chủ trương của cấp trên, không một ai đùn đẩy trách nhiệm mà đều hăng hái xung phong thực hiện nhiệm vụ của mình. Qua đó để thấy, những người nữ Du kích năm xưa như các cô tuy còn trẻ nhưng nhiệt huyết cách mạng luôn mạnh mẽ, biết chấp nhận hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Các cô chậm rãi kể lại: “Những nhiệm vụ mà chúng tôi thực hiện trong giai đoạn này tuy khó mà dễ. Khó là phải hoạt động trong lòng địch nhưng cái dễ là chúng tôi có dịp được gần gũi với những người dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ để có phương hướng vận động phù hợp”. Khó khăn nhất là việc tiếp cận, vận động những gia đình bị địch “quy” cho là gia đình “Việt cộng” và khoanh vùng biệt lập. Để có thể thực hiện tốt công tác vận động các gia đình này, các cô không quản ngại gần gũi và làm giúp những công việc lao động nặng nhọc cho các gia đình trong ấp chiến lược như cấy lúa, trồng khoai… Chính trong những lúc như thế này, lòng tin của người dân với những nữ Du kích như các cô được nâng lên. Từ đó, các cô có dịp vận động họ an tâm tư tưởng, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Nhờ cách tiếp cận gần gũi, chân tình này, nhân dân đã yêu thương và bảo bọc cho các cô và đồng đội. Không chỉ vận động nhân dân, những người nữ Du kích còn khôn khéo vận động người nhà những lính ngụy, giúp họ nhận ra đúng sai để từ đó vận động con em họ không tàn sát, ức hiếp đồng bào mình, không làm tay sai cho giặc, quay đầu trở về với cách mạng.

MƯU TRÍ, GAN DẠ

Các cô nổi bật không chỉ là lòng gan dạ của người lính cầm súng, ở các cô còn là sự mưu lược hiếm có. Nghe các cô kể chuyện về cuộc đời làm cách mạng với những trận thắng lẫy lừng, những lần công tác mật, những mất mát của bản thân đã lôi cuốn chúng tôi đến kỳ lạ.

Cô Trong tham gia du kích để được đánh giặc. Ngay trận đánh đầu tiên, từ sáng đến chiều, nằm dưới chiến hào, với cây súng trường bá đỏ (K44), nữ Du kích Sáu Trong gan lì bám trụ, quyết tiêu diệt địch. Kết thúc trận đánh đầu tiên, Sáu Trong trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3. Trong trận đánh khác vào tháng 4/1967, Sáu Trong tiếp tục lập chiến công, trở thành Dũng sĩ diệt xe tăng. Nữ Du kích mới 17 tuổi-Sáu Trong vinh dự tham dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ hai. Chiến tranh nào cũng có sự mất mát, hy sinh. Sau năm 1968, Sáu Trong được giao nhiệm vụ hoạt động hợp pháp trong ấp chiến lược. Để khoét sâu vào tận hang ổ của địch, mặc dù được bà con cưu mang đùm bọc, nhưng tiếng tăm của nữ Du kích Sáu Trong khiến bọn địch để ý. Cô không tránh khỏi những lần bị bắt, bị tra tấn dã man. Song với lòng yêu nước, phẩm chất kiên trung của người chiến sĩ cách mạng, cô vẫn ngoan cường chiến thắng những trận đòn roi của kẻ thù. Nhưng chính những trận đòn roi đó đã lấy mất cánh tay trái của cô khi cô chỉ mới hai mươi tuổi. Điều đó đâu thể khuất phục được người con gái Củ Chi Đất Thép thành đồng, trở về với cách mạng, cô tiếp tục anh dũng chiến đấu chống giặc thù chỉ bằng “một tay”. Với lòng gan dạ của mình, cô cùng đồng đội vào tận sào huyệt địch tiêu diệt ba tên ác ôn giết hại nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta. Kể từ đó, hình ảnh người “phụ nữ một tay” dẫn đầu đội nữ mặc áo bà ba đen là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với bọn giặc.

Nữ Du kích mật Lê Thị Vân bằng sự mưu trí, dũng cảm của mình, còn nhớ thực hiện đánh địch bằng 3 mũi giáp công, năm 1972, cô Lê Thị Vân trực tiếp chỉ đạo diệt ác phá kềm, phá ấp chiến lược, đưa dân về ruộng vườn cũ bám trụ sản xuất. Cô còn chỉ đạo xây dựng cơ sở nội tuyến, diệt ác, đưa được 12 anh em về với cách mạng.

Nữ Du kích mật Nguyễn Thị Nhị (Ba Nhị) bằng sự mưu trí, bất chấp nguy hiểm, để có thể qua mắt địch, tìm cách cung cấp thuốc đặc trị cho bộ đội hay trừng trị những tên tề xã ác ôn, cô Ba Nhị đã có nhiều cách ngụy trang, xử lý tình huống khôn khéo. Có lần cô cùng 1 người đồng đội nhận nhiệm vụ qua Bình Dương mua thuốc tây đặc trị mang về cho bộ đội ta. Khi đang trên đường đi về, một chiếc xe nhà binh chặn lại, không chút chần chừ, cô Ba Nhị nhắc người đồng đội phía sau giữ thật chặt, còn cô bình tĩnh điều khiển xe Honda chạy tới. Đám lính hí hửng “phen này hai con nhỏ chạy đâu cho thoát” nhưng bất nhờ cô Ba Nhị kéo hết ga vọt thẳng. Bọn lính trở tay không kịp, hậm hực nhìn theo bóng hai cô gái mất hút ngay sau đó. Nhớ lần được cấp trên giao nhiệm vụ theo dõi, nắm tình hình và tiêu diệt tên Công-công an chìm của địch rất nguy hiểm. Nắm được quy luật hoạt động của tên ác ôn, cô Nhị cầm lái chiếc Honda chở đồng đội kè sát theo tên Công, đồng đội ngồi sau bắn phát thứ nhất, đạn trượt, phát thứ hai đạn bị kẹt, tên Công thoát chết nhưng khiến bọn công an chìm hoang mang, lo sợ.

Nhiều lần đụng độ với địch nhưng các cô đều có thể qua mặt và an toàn là do có sự bao bọc, giúp đỡ của bà con xóm làng. Sống trong vòng tay của nhân dân, các cô càng thêm tin tưởng, gan dạ hơn để thực hiện nhiệm vụ của mình. Làm sao có thể kể hết câu chuyện về các cô nữ du kích Củ Chi, đã góp nên một phần lịch sử đấu tranh của mảnh đất này. Một thời họ đã sống hết mình cho lý tưởng, khát vọng tuổi trẻ đấu  tranh vì nền độc lập cho Tổ quốc. Những người con gái quê hương Đất Thép thành đồng nổi tiếng, họ đã từng đối mặt với lửa đạn quân thù, có những người ngã xuống hoặc kiên cường chịu cảnh “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung” để đi đến ngày thắng lợi.

VẪN GIỮ “CHẤT LÍNH”

Điều đáng trân trọng là các nữ Du kích Củ Chi, sau khi nước nhà được thống nhất, họ trở về với cuộc sống đời thường, chung tay xây dựng lại vùng đất đã bị cày xới bởi bao bom đạn, sống gương mẫu, có uy tín trước quần chúng. Họ không chỉ là những huyền thoại sống mà còn là những bông hoa tươi đẹp trong thời bình.

Cô Võ Thị Trong về công tác tại Tiểu đoàn 195 thuộc Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh. Cô lập gia đình với một chú cán bộ của Tiểu đoàn Đặc công Gia định ở Trung Mỹ Tây, quận 12. Năm 1984, do không đủ sức khỏe phục vụ trong quân đội, cô nghỉ và hưởng chế độ thương binh 2/4. Đặc biệt đáng khâm phục ở người nữ Du kích Củ Chi, trong thời chiến hay thời bình, cô vẫn luôn anh dũng trên từng mặt trận. Với nỗ lực vượt khó của bản thân, từ việc đạp xe qua tận Thủ Đức học văn hóa đến việc làm kinh tế gia đình. Ban đầu cô vay mượn vốn của đồng đội, bạn bè, nuôi heo, trồng rau, thả cá. Nhờ có kế hoạch, biết cách làm ăn, dành dụm, kinh tế gia đình cô ngày càng được cải thiện. Bằng sức lao động của chính mình, giờ đây, cô chú đã có một cơ ngơi đàng hoàng, nhà cửa khang trang, gia đình hạnh phúc nhưng người cựu nữ Du kích năm xưa vẫn thủy chung với công tác chính trị xã hội. Hơn 20 năm làm Tổ trưởng Tổ dân phố, làm công tác mặt trận, đỡ đầu cho Chi hội phụ nữ; cô luôn tích cực, nhiệt tình công tác, luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện, quyên góp ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Vì Trường Sa” và đặc biệt cô dành nhiều tình cảm cho mảnh đất Phú Mỹ Hưng.   

Đất nước thống nhất, cô Lê Thị Vân làm Bí thư Huyện đoàn. Năm 1977, cô là Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện. Năm 1978, cô về công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và sau đó giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, công tác ngoại thành cho đến năm 1985. Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ V, cô giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố. Năm 1997, cô được Thành ủy điều về làm Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo  Chương trình xóa đói giảm nghèo Thành phố. Tròn 61 tuổi, cô Vân mới nghỉ hưu. Trở về cuộc sống đời thường, cô trở về quê hương sống ở xã Phú Hòa Đông. Như một người lao động thực thụ, cô trồng lan, chăn nuôi bò, trồng nấm phát triển kinh tế gia đình. Là người đảng viên tận tụy, cô Vân liên tục tham gia công tác ở địa phương. Hiện cô là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của ấp Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông. Nhớ hồi còn thực hiện chương trình xóa nhà tranh tre, thương bà con nghèo quê mình, cô lặn lội về thành phố, vận động các đơn vị và cá nhân ủng hộ tiền, xây dựng được 10 căn nhà tình thương cho hộ nghèo của huyện. Nhắc đến nữ Du kích Lê Thị Vân không chỉ là người chiến sĩ gan dạ, anh dũng mà còn là một người cán bộ giỏi giang, hết lòng vì bà con nghèo. Trong quá trình hoạt động cách mạng và công tác, cô Lê Thị Vân được tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 1 Huân chương Quyết thắng hạng nhất, 1 Huân chương Độc lập hạng ba, 1 Huân chương Lao động hạng ba. Cô là đảng viên nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Khi quê hương Củ Chi ngừng tiếng súng, cô Nguyễn Thị Nhị cùng Chi bộ bên trong lãnh đạo tiếp quản tài liệu tại xã Tân Thạnh Đông và toàn bộ cơ sở vật chất của địch để lại. Cô cùng 7 đồng chí ra mắt chính quyền quân quản công khai trước dân. Cô được phân công nhiệm vụ làm Trưởng Ban thương binh xã hội của xã. Năm 1980, cô tiếp tục cống hiến sức mình phục vụ nhân dân với 14 năm giữ cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Tân Thạnh Đông. Thời gian này, cô còn được mọi người biết đến không chỉ là người cán bộ tận tụy của dân mà còn là người phụ nữ giỏi việc nhà. Một mình cô vừa nuôi heo vừa trồng thuốc lá để cải thiện kinh tế gia đình. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 1985 - 1990, cô được bầu là Thành ủy viên dự khuyết. Đến năm 1994, cô  chuyển về làm chuyên viên của Ban Tổ chức Thành ủy, phụ trách hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, tiếp đó là Trưởng Ban Tổ chức Quận 12 và tiếp tục giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Quận ủy 12. Năm 2005 nghỉ hưu, cô về với quê hương Tân Thạnh Đông với cơ ngơi khá ổn định sau những năm tháng vất vả tạo dựng bằng chính sức lao động, bằng chính khí chất của một người nữ Du kích năm xưa. Hiện cô đang sinh hoạt Đảng tại ấp 12. Cô là hội viên Chi hội Cựu chiến binh của ấp, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến của xã Tân Thạnh Đông. Với vai trò nào cô cũng luôn nhiệt tình, làm hết trách nhiệm của mình. Cô là đảng viên nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Cô được khen thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba.

Nước mắt và nụ cười. Khổ đau và hạnh phúc. Những nếm trải từ chiến tranh đến đời thường khiến cho những cô gái can trường của đất Củ Chi đã, đang và sẽ là hình ảnh làm xúc động lòng người. Như câu thơ của một thời lửa đạn còn vang mãi:

“Những mảnh đất anh hùng quyến rũ

Phút giây đầu đã ràng buộc đời em

Như tự lọt lòng từng biết mấy thân quen

Em nhỏ giao liên, mẹ hiền trụ bám

Cô du kích dịu dàng dũng cảm…”.

Chắc hẳn trong tâm khảm của các cô những năm tháng ấy luôn long lanh tỏa sáng.

KIỀU NGÂN


Số lượt người xem: 4084    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm