LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
9
5
3
6
7
Tin tức 02 Tháng Mười Một 2013 7:40:00 SA

Đảm bảo an toàn giao thông – vấn đề hàng đầu là nâng cao ý thức

Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao nhất trên trên cả nước nói chung và địa bàn huyện Củ Chi nói riêng. Nó đã để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Có hàng trăm nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Ngoài các tình huống bất khả kháng, nguyên nhân lớn nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông.

 

Theo khoa cấp cứu bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi, hầu như ngày nào cũng phải tiếp nhận bệnh nhân do tai nạn giao thông. Có ngày cao điểm, nhất là vào cuối tuần hoặc nghỉ lễ, số ca tai nạn giao thông lên đến 5 ca nhập viện, trong đó đa phần là bị thương nặng. Xem nhật ký theo dõi của khoa cấp cứu và số liệu thống kê của Phòng kế hoạch, tổng hợp, từ đầu năm đến nay, chúng tôi thực sự bàng hoàng. Chín tháng năm 2013, khoa đã tiếp nhận 1.306 bệnh nhân tai nạn giao thông, trong đó có nhiều ca tai nạn nghiêm trọng dẫn đến tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn. Chỉ trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 đã có 32 người bị tai nạn giao thông phải nhập viện; còn các ngày cuối tuần, số ca nhập viện cao hơn ngày thường. Trong đó, đa số các trường hợp nặng đều do nạn nhân có uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông. Nhìn cảnh các bệnh nhân người thở ô xy, người băng bó toàn thân, người mặt mũi chân tay xước xẹo nằm tại khoa, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Theo lời kể của chị Lê Thị Hiên, chăm sóc người thân tại khoa cấp cứu cho hay: Con trai tôi làm công nhân tại khu công nghiệp, chập tối tan ca, bạn bè cùng công ty rủ đi uống bia. Trên đường về nhà, do không làm chủ được mình, cháu đã va quẹt với xe máy khác, bị té gây thương nặng. Chị Hiên nói trong nước mắt: Cháu còn trẻ, lại là lao động chính trong gia đình, giờ nằm bất động với đầy vết thương trên cơ thể không biết cuộc sống tương lai sẽ ra sao. Với những bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên trực đêm ở khoa cấp cứu, tiếng còi xe cứu thương chở bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào viện không còn xa lạ, bất kể ngày hay đêm khuya. Các giường bệnh trong khoa lúc nào cũng có bệnh nhân. Đa số các trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông đều có hoàn cảnh nghèo, do mưu sinh mà bất chấp quy định về an toàn giao thông, cũng không ít kẻ “yên hùng” phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm… để rồi tự chuốc tai họa cho mình và làm khổ người khác.
Theo số liệu thống kê 10 tháng năm 2013, toàn huyện xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, làm chết 54 người. Có đến 80% vụ tai nạn giao thông xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Hàng ngàn vụ vi phạm giao thông với các lỗi thường gặp như: không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, vuợt đèn đỏ, chạy xe quá tốc độ, lưu thông trên đường khi trong người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Điều này khiến chúng ta không khỏi đặt ra những nghi vấn về ý thức người tham gia giao thông. Nhiều người biết luật nhưng vẫn vi phạm và nêu ra đủ lý do để được thông cảm. Chúng tôi đã có buổi tham gia bắn tốc độ xe với Đội tuần tra kiểm soát, Đội cảnh sát giao thông Công an huyện để ghi nhận ý thức của người tham gia giao thông. Chỉ cần chịu khó quan sát thái độ và cách ứng xử của nhiều người lái xe trên đường, có thể lý giải vì sao tai nạn giao thông vẫn cứ xảy ra. Dù trong luật quy định chỉ cho phép người đều khiển xe mô tô, gắn máy lưu thông trên đường với tốt độ tối đa là 40km/h nhưng nhiều người vi phạm đều lưu thông từ 50 km/giờ trở lên. Khi được hỏi về việc có biết quy định tốc độ không, đa phần câu trả lời của người vi phạm là: “Biết, nhưng tại có việc gấp quá nên…”. Nhiều người thậm chí còn biết rõ trên tuyến Tỉnh lộ 2, đường Nguyễn Thị Rành, những đoạn khu vực đông dân cư , có mật độ xe đông thường xuyên có cảnh sát giao thông kiểm tra tốc độ xe nhưng vẫn cứ vi phạm và họ đưa ra rất nhiều lý do biện minh nào là nhà có người cấp cứu, nào là trễ giờ làm…. Có người khi bị dừng xe vì vi phạm, họ hồn nhiên rút ngay một biên bản khác ra và trình bày: vừa bị phạt, mong các chiến sĩ thông cảm. Cũng có trường hợp người vi phạm cãi lại cảnh sát giao thông vì cho rằng mình đi đúng, chạy xe trong khoảng tốc độ cho phép. Dù đang tất bật với công việc nhưng các chiến sĩ vẫn kiên nhẫn giải thích. Thông thường, đa số những nơi mà Đội tuần tra kiểm soát đặt trạm kiểm tra tốc độ đều là “điểm đen” hay xảy ra tai nạn giao thông. Dù biết có lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nhưng mỗi buổi đều có từ 10 – 20 người vi phạm. Những ngày cuối tuần và ngày lễ thì số người vi phạm tăng lên gấp đôi.
Qua bảng điều tra và phân tích của công an huyện về tình hình trật tự an toàn giao thông 10 tháng năm 2013 cho thấy, vi phạm do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông chiếm khoảng 80% số vụ; tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn chiếm 80,7%; độ tuổi gây tai nạn từ 18 đến dưới 27 tuổi chiếm 32,6%; từ 27 tuổi đến dưới 55 tuổi chiếm 58,2%. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông gây ra; việc chấp hành các qui định về an toàn giao thông của người dân còn hạn chế: Tự do tuỳ tiện khi tham gia giao thông ; người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng; điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia; vi phạm và không làm chủ tốc độ; tránh vượt sai quy định; không chú ý quan sát; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên; tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông; phương tiện giao thông gia tăng, nhiều xe ôtô có tải trọng lớn, quá khổ quá tải; nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng, mặt đường hẹp, không có lề đường, có nhiều khúc cua gấp làm hạn chế tầm nhìn khi tham gia giao thông…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cường – Phó Ban thường trực Ban an toàn giao thông huyện cho biết: “Tình hình tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nan giải! Phân tích về nguyên nhân của tình hình này có thể thấy chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông. Dẫn chứng rất đơn giản về những nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông như: sự lơ là người điều khiển phương tiện giao thông, hay khi vắng bóng lực lượng kiểm tra xử lý vi phạm trên đường thì người tham gia giao thông có tâm lý “sẵn sàng” vi phạm, có thể là phóng nhanh hơn, lấn làn, lấn đường... Các giải pháp kiềm chế và giảm tai nạn giao thông luôn được triển khai nhưng số vụ tai nạn vẫn xảy ra ở mức cao”. Như vậy cho thấy, phần lớn nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông là do sự bất cẩn, do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, chính ý thức của người dân khi ra đường sẽ quyết định số phận của họ.
Có thể thấy rằng tai nạn giao thông vẫn là vấn nạn làm đau đầu các cơ quan chức năng bởi bên cạnh các giải pháp kéo giảm mà các ngành chức năng đưa ra, một giải pháp quan trọng nhất đó là ý thức chấp hành các qui định khi tham gia giao thông của con người. Thông qua hầu hết nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông của các trường hợp chúng ta đều thấy ý thức chủ quan, cẩu thả, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông chính là bài học để đời cho các nạn nhân và gia đình cũng như mọi người.
Kiều Ngân

Số lượt người xem: 4996    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm