LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
7
4
9
7
Tin tức 10 Tháng Sáu 2013 10:20:00 SA

Kết quả qua 3 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng lao động nông thôn, có cơ hội chuyển nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong 3 năm từ 2010 đến 2012, thực hiện theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Củ Chi đã triển khai công tác này đến tận người dân trên địa bàn huyện và đã đạt kết quả đáng ghi nhận.

 

 

Đi vào thực hiện, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề của người lao động. Trong đó, Hội nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Huyện đoàn, Liên đoàn lao động, Phòng dạy nghề Sở lao động thương binh xã hội thành phố đã tổ chức 869 đợt tuyên truyền cho 56.734 lao động nông thôn. Trường Trung cấp nghề Củ Chi đã tổ chức 7 buổi tư vấn học nghề cho 350 lao động nông thôn tại các xã Tân An Hội, Thái Mỹ, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội và Phước Hiệp. Đồng thời, huyện tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.

Qua tuyên truyền, người dân nhận thức được việc học nghề sẽ giúp nâng cao tay nghề; đưa khoa học kỹ thuật vào thực tiễn chăn nuôi, trồng trọt, giúp người lao động có thu nhập ổn định. Đồng thời, do huyện có nhiều chính sách ưu đãi cho việc đào tạo nghề như hỗ trợ miễn giảm học phí, tạo việc làm sau đào tạo nên người lao động đã tích cực tham gia học nghề. Qua từng năm số lượng ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của người lao động cũng tăng lên. Cụ thể, năm 2010, có 109 học viên học các nghề thú y sơ cấp, làm vườn cây cảnh, tin học văn phòng, sửa chữa bảo trì máy may công nghiệp, điện dân dụng, sửa chữa xe gắn máy. Đến năm 2011, có 808 người học và thêm một số ngành nghề như kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, trồng rau an toàn, trồng hoa lan, kỹ thuật nấu ăn, trang điểm thẩm mỹ. Và đến năm 2012, có 639 người học, nghề đào tạo cũng tăng thêm là kỹ thuật trồng nấm rơm, trồng cây cao su và may công nghiệp.

Sau khi được đào tạo nghề, phần lớn học viên đều biết cách áp dụng vào thực tiễn để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao hiệu quả thời gian lao động, tạo thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình. Qua 3 năm có 167 người lao động được doanh nghiệp tuyển dụng; có 1.214 người tự tạo việc làm mới và tiếp tục công việc hiện tại. Nhờ vậy, có 534 hộ gia đình thoát nghèo sau một năm tham gia học nghề, 578 hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ khá.

Bên cạnh việc đào tạo nghề, huyện cũng hỗ trợ vốn vay cho người lao động tạo việc làm. Trong 3 năm qua, đã có 1.880 người vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 25.415 triệu đồng; 534 người có đất bị thu hồi được vay vốn Quỹ 156 với số tiền là 13.499 triệu đồng; 1.052 người được vay vốn xóa đói giảm nghèo với số tiền là 11.930 triệu đồng.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận do địa bàn rộng, việc định hướng nghề nghiệp ở một số xã – thị trấn chưa thường xuyên, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thông tin và lựa chọn ngành nghề phù hợp nên số lao động tham gia học nghề chưa cao. Một bộ phận học viên chưa nhận thức tốt trong việc lựa chọn và học nghề đến nơi đến chốn nên một số địa phương có mở lớp nhưng không duy trì được sĩ số.

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế tồn tại trong công tác này, thời gian tới huyện sẽ tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đạo tạo nghề để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề. Điều tra cập nhật cung lao động và khảo sát nhu cầu học nghề, nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả. Đồng thời, gắn dạy nghề cho lao động nông thôn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện theo định hướng của thành phố và huyện.

Có thể nói, dù còn những hạn chế nhất định song qua chương trình đào tạo nghề trình độ tay nghề, tính kỷ luật, phẩm chất đạo đức của người lao động được nâng cao đã góp phần tăng khả năng đáp ứng yêu cầu công việc, tăng năng suất lao động và phục vụ cho công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của huyện nói riêng và thành phố nói chung.

 

Ngọc Thủy

 


Số lượt người xem: 4975    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm