LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
9
0
4
3
0
Tin tức 03 Tháng Bảy 2013 10:10:00 SA

Cần tận dụng hệ thống kênh Đông để nuôi thủy sản

Địa bàn huyện Củ Chi có hệ thống kênh Đông dài 11 km trên tổng chiều dài 34 km của kênh chính dẫn nước từ Hồ Dầu Tiếng về. Theo thống kê, huyện có 448,12 ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản. Trong đó, có 278 ha diện tích nuôi thủy sản ổn định ở 8/12 xã ven kênh Đông bao gồm các xã Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Phước Thạnh, Nhuận Đức, Phước Hiệp, Tân An Hội, Tân Thông Hội và Thái Mỹ.

 

 

Trong thời gian qua, 114,14 ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản ổn định đã được 8 đơn vị và 106 hộ nông ở 8 xã trên tận dụng để nuôi cá thương phẩm; ương nuôi cá giống, cá cảnh. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá trê vàng lai, điêu hồng, rô phi, cá hường, cá tra, trắm cỏ, lươn, cá sặc rằn, cá lóc bông, chạch bùn, cá lăng, họ cá ăn muỗi, cá chép, cá tiên ông… Qua khảo sát của các ngành chức năng cho thấy, các đơn vị và hộ nuôi đã biết ứng dụng các chế phẩm sinh học, cơ giới hóa trong nuôi thủy sản, không sử dụng chất cấm trong nuôi thủy sản đã tạo ra sản phẩm sạch để đưa ra thị trường. Mặt khác, người nuôi có kiến thức khoa học kỹ thuật về đối tượng nuôi, áp dụng đúng quy trình nuôi vào thực tiễn đã mang lại hiệu quả nuôi. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm thức ăn tự chế biến đã góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận kinh tế cho người nuôi. Trong năm 2012, doanh thu cá thương phẩm được gần 75 tỷ đồng; cá cảnh, cá giống được 140 tỷ đồng đã góp phần mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy với 114,14 ha mặt nước nuôi hiện tại so với tổng diện tích nuôi thủy sản ổn định là 278 ha thì còn trên 163 ha diện tích mặt nước chưa được khai thác hết hoặc khai thác chưa hiệu quả. Mặt khác, trong hoàn cảnh suy thoái nền kinh tế hiện nay thì việc đầu tư vốn để nuôi thủy sản trong dân khá khó khăn. Thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ thông qua hệ thống thương lái, giá cả không ổn định, lợi nhuận bị chia sẻ đã ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi, đến khả năng và động lực để tái đầu tư. Đối với người trực tiếp nuôi chưa chủ động liên kết với nhau để tìm hiểu thông tin về tình hình nuôi, đối tượng nuôi, giá cả cũng như hình thức tiêu thụ hiệu quả nên chỉ xoay quanh vài đối tượng nuôi truyền thống kém hiệu quả, chưa mạnh dạn áp dụng đối tượng nuôi mới, công nghệ mới có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để không lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn nước và phát triển nghề nuôi cá thương phẩm và các loại thủy đặc sản ở khu vực kênh Đông, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng cần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của thành phố và huyện về hỗ trợ nông dân sử dụng nguồn nước kênh Đông nuôi thủy sản; tổ chức nhiều buổi hội thảo để hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc của người dân trong quá trình nuôi thủy sản như vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ; quy hoạch vùng để nuôi thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nuôi.

Theo đó, các ngành chức năng của huyện cần tạo điều kiện cho người nuôi tiếp cận các nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi vay của nhà nước như nguồn vốn từ Quyết định 13 của UBND thành phố, Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn của doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trạm khuyến nông huyện  tiếp tục tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và giới thiệu về giống mới cho hộ nuôi thủy sản nắm vững quy trình sản xuất. Các đơn vị sản xuất giống trên địa bàn huyện cần tích cực chủ động nghiên cứu sản xuất và cung ứng các loại giống có chất lượng cao cho người nuôi; đồng thời có chính sách hỗ trợ về giá con giống để kích thích người nuôi thủy sản khu vực ven kênh Đông phát triển sản xuất. Về phía các đơn vị, hộ nông dân cần mạnh dạn phát triển đầu tư sản xuất. Trong quá trình nuôi nên chủ động liên kết sản xuất, mạnh dạn áp dụng quy trình nuôi bán thâm canh, thâm canh đối với cá thương phẩm, chọn đối tượng nuôi phù hợp với khả năng đầu tư và thị trường tiêu thụ, chú trọng ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ sinh học vào nuôi thủy sản nhằm tạo sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cần thị trường. Tập trung phát triển một số loại thủy sản có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao. Đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ cần chủ động tạo nguồn thức ăn tự chế biến hay các loại thức ăn sản xuất được như trùng quế, tận dụng các loại rau, bèo sẵn có để làm thức ăn kết hợp với cám công nghiệp nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận.

Có thể nói, nếu tận tối đa nguồn nước kênh Đông và thực hiện căn cơ các giải pháp có tính bền vững trên thì nghề nuôi thủy sản ở kênh Đông sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, góp phần tăng thu nhập và giải quyết được việc làm cho người lao động nông thôn; đồng thời, góp phần tích cực trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ngọc Thủy

 


Số lượt người xem: 5864    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm