LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
3
9
8
9
Tin tức 01 Tháng Mười 2013 10:25:00 SA

Để không còn những nỗi đau do tai nạn giao thông

Hậu quả tai nạn giao thông để lại không chỉ mất người, thiệt hại tài sản mà đằng sau những vụ tai nạn giao thông còn kéo theo nhiều hệ lụy như đói nghèo, bệnh tật… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều gia đình và gánh nặng cho xã hội.

 

 

Mỗi năm ở nước ta có hơn 10.000 người chết và ngần ấy người bị thương do tai nạn giao thông. Con số này có ý nghĩa tương đương 30 gia đình mất người thân mỗi ngày và hơn 200 gia đình phải chịu cảnh tang thương, đau khổ do hậu quả của tai nạn giao thông để lại. Trước những con số không dám đọc, những hình ảnh không dám nhìn. Vì sao tai nạn giao thông lại trở thành thảm họa đau lòng đến vậy? Ai có thể đẩy lùi thảm họa tai nạn giao thông? Câu trả lời: chính mỗi người trong cộng đồng sẽ làm được việc này, bởi các cấp chính quyền, đoàn thể có thể đẩy mạnh tuyên truyền hoặc ra quân kiểm tra phương tiện, tăng mức xử phạt… bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ không nhiều tác dụng, nếu mỗi người không tự ý thức được mối nguy hiểm từ tai nạn giao thông luôn chực chờ.

Theo công an huyện cho biết, 9 tháng đầu năm trên địa bàn huyện đã xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông, làm chết 48 người. Va chạm giao thông xảy ra 68 vụ, làm bị thương 109 người. Ngoài ra, thời gian trên, có trên 21 ngàn người vi phạm về trật tự an toàn giao thông bị xử phạt vi phạm hành chính. Đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của cấp trên và địa phương về tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Ngoài nguyên nhân do mật độ người, phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, một số nơi chưa thực sự chú trọng đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ... thì nguyên nhân chính vẫn do ý thức của người điều khiển phương tiện. Người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, phần đường, lạng lách, đánh võng, qua đường không quan sát, không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng qui cách, vượt đèn đỏ, uống rượu, bia điều khiển phương tiện... là những lỗi vi phạm phổ biến của người tham gia giao thông hiện nay, nhất là với đối tượng thanh, thiếu niên. Thực tế cho thấy, các lực lượng chức năng đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm Luật, với hàng nghìn lượt vi phạm mỗi năm, song vẫn không xuể. Điều đó cho thấy ý thức của người tham gia giao thông còn quá kém, coi thường pháp luật, ắt sẽ dẫn đến những hậu quả xấu.

Tai nạn giao thông dù có đi qua nhưng nỗi đau luôn đè nặng người ở lại, không chỉ gia đình, người thân của họ chịu mất mát, thiệt thòi mà cả xã hội cũng đau cùng nỗi đau chung. Đằng sau mỗi vụ tai nạn giao thông là cảnh ngộ thương tâm của gia đình không gì xóa tan và bù đắp được… Sau tai nạn là những ám ảnh, dằn vặt về tinh thần. Trong tận cùng sự đớn đau, đã có rất nhiều người phải hối hận: “giá mà tôi cẩn thận hơn”, “giá như lúc đó tôi bình tĩnh hơn”, “giá như tôi không uống rượu bia trước khi lái xe”... vì thực tế có người đã “nhanh một phút để chậm cả đời”. Thay vì hối hận muộn màng của những người gây ra tai nạn, mỗi chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng bằng cách tham gia giao thông bằng ý thức tự giác, để ngày càng bớt đi những đau thương mất mát vì tai nạn giao thông. Những câu khẩu hiệu: “Phía trước tay lái là sự sống”; “Hãy lái xe bằng cả trái tim”; “Nói không với rượu bia trước khi lái xe”; “Hãy đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy”; “An toàn mọi lúc, hạnh phúc mọi nơi”… đều là những lời kêu gọi tha thiết, gần gũi và rất dễ thực hiện với tất cả mọi người. Những lời kêu gọi ấy không ở đâu xa, mà ở ngay trong mỗi trái tim tình cảm, có trách nhiệm trước an toàn tính mạng của chính mình và người khác. Lời kêu gọi ấy muốn nhắn nhủ với tất cả mọi người trước khi tham gia giao thông một điều: Hãy nghĩ đến sự an toàn của mình, nghĩ đến sự mong đợi của người thân trong gia đình, anh em, bè bạn và sự an toàn của những người đồng hành khác.

Tham gia giao thông là quyền và nhu cầu chính đáng của mỗi người theo luật định, giao thông luôn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, tai nạn giao thông giờ đây không còn là nỗi đau của riêng ai, nó có tác động xấu đến tương lai, số phận của gia đình trong xã hội. Chính vì vậy, vì hạnh phúc, vì cuộc sống bình yên của chính bản thân mình, của gia đình và cộng đồng, xã hội hãy phát huy tinh thần tích cực, tự giác của mỗi người và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, cùng chung tay hành động và hành động quyết liệt hơn nữa góp phần kềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông bằng các việc làm thiết thực. Luôn nhắc nhở bản thân và giáo dục động viên mọi người trong gia đình, trong tổ chức, trong địa bàn dân cư nêu cao tinh thần sống và làm việc theo pháp luật. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi địa bàn dân cư tự nguyện đăng ký với chính quyền không có người trong gia đình vi phạm trật tự an toàn giao thông, xem đây là một trong những nội dung quan trọng thực hiện “Văn hoá giao thông” là thực hiện tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá, đơn vị văn hoá, ấp văn hoá, xã văn hoá. Tuỳ điều kiện, luôn sẵn sàng tham gia đóng góp sức lực cho các hoạt động nhằm bảo vệ trật tự an toàn giao thông trên từng địa bàn khu dân cư, từng đoạn đường. Quan tâm và chia sẻ những khó khăn vật chất, tinh thần đối với những nạn nhân và gia đình nạn nhân của tai nạn giao thông, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống và xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát đã xảy ra.

Chiến tranh đã đi qua, nghèo đói từng bước được đẩy lùi nhưng tai nạn giao thông vẫn luôn rình rập hàng ngày, hàng giờ trong các hoạt động sống, sinh hoạt của mỗi chúng ta. Vì hạnh phúc của mỗi người, chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông và thực hiện tốt “Văn hóa giao thông”, với thái độ quyết tâm “An toàn mọi lúc - hạnh phúc mọi nơi”.

Kiều Ngân

 


Số lượt người xem: 5578    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm