LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
1
1
8
3
Tin tức 27 Tháng Tư 2021 8:55:00 SA

Gò Môn – “Sự tự hào không chỉ của người dân Củ Chi”…!

Người ta hay nói lịch sử vốn đã an bài. Tuy vậy, những cột mốc, dấu ấn, sự kiện của lịch sử, đặc biệt là những thời khắc lịch sử quyết định cho vận mệnh của dân tộc, cho bước ngoặt chuyển mình của một vùng quê thì không bao giờ phai mờ trong lòng mỗi người dân. Đó chính là cội nguồn, là sức mạnh, là động lực cho con người thời đại hiện nay. Trong dòng chảy các sự kiện lịch sử của đất nước, của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như của vùng “Đất Thép thành đồng”, người dân xã Trung An không bao giờ quên được lịch sử vùng đất Gò Môn anh hùng – một điểm son chói lọi trong sự hình thành và phát triển của vùng đất nơi đây.

Sau thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954), ta buộc Pháp phải tiến hành đàm phán và ký Hiệp định Giơnevơ (vì chúng thất bại trên chiến trường nên mới đồng ý ngồi vào bàn nghị trường). Trong thời gian này, một số cán bộ, bộ đội miền Nam được điều động để tập kết ra Bắc để cùng với dân quân miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lúc bấy giờ, ở miền Nam, quân Pháp vẫn còn khá đông, cộng thêm lực lượng của chúng tràn từ miền Bắc vào, làm cho cuộc chiến tranh tưởng đã kết thúc nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đảng, Nhà nước ta luôn lường trước được sự “lật lọng” của Pháp khi chúng tiến hành đàm phán và hứa cam kết tuân thủ Hiệp định Giơnevơ. Chính vì thế, chúng ta luôn cảnh giác, không lơ là nhiệm vụ và quyết tâm giữ vững địa bàn miền Nam.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất Gò Vấp - Hóc Môn có vị trí là cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, nối Sài Gòn với miền Đông Nam bộ. Do yêu cầu phát triển phong trào, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động, tháng 5/1961, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định quyết định hợp nhất 2 địa phương Gò Vấp và Hóc Môn thành quận Gò Môn, bao gồm 21 xã, thị trấn (Củ Chi có một xã là Bình Mỹ). Vì có vị trí chiến lược, là địa bàn chỉ đạo tấn công vào sào huyệt địch ở nội thành nên Khu ủy Sài Gòn – Gia Định quyết định chọn quận Gò Môn làm địa bàn trọng điểm để chỉ đạo quân dân đồng loạt nổi lên tích cực hưởng ứng phong trào Đồng Khởi, chiến đấu trừng trị bọn tay sai bán nước, chống giặc mở rộng địa bàn dồn dân lập ấp chiến lược.

Đêm 10/7/1961 - đêm “Đồng Khởi” của Gò Môn đã nổ ra dưới sự lãnh đạo của Quận ủy Gò Môn, dù trong tầm bọn giặc kiểm soát rất gắt gao nhưng quân và dân đã nhất tề đồng loạt nổi dậy với nhiều hình thức từ thấp tới cao, phát triển thành phong trào mạnh ở nhiều địa bàn. Hàng vạn quần chúng nhân dân được vũ trang giáo, mác, gậy gộc, súng ống… rầm rập xuống đường, tuần hành thị uy, biểu dương lực lượng, tạo nên khí thế sục sôi, hào hùng, như là lời hiệu triệu đồng bào đứng lên đấu tranh giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc. Chính khí thế cách mạng long trời lở đất ở Gò Môn đã làm cho ngụy quân, ngụy quyền run sợ, hoang mang.

Những năm 1961 - 1962, trên địa bàn quận đã thành lập Trung đội Gò Môn gồm 22 đồng chí, 2 Đại đội bộ đội địa phương, 2 Trung đội trinh sát, 2 đội Biệt động 67A, 67B. Đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ Trung đội Gò Môn đã sát cánh cùng với Nhân dân liên tục chiến đấu dũng cảm chống trả lại những trận càng quét, đánh phá của địch nhằm bảo vệ an toàn cho cơ quan Quận ủy Gò Môn.

Từ năm 1963 đến năm 1965, bằng nhiều hình thức phong phú, quân và dân Gò Môn đã đi phá lõng, phá rã đến phá toàn bộ hệ thống ấp chiến lược trên địa bàn quận. Dưới sự lãnh đạo của Quận ủy, quân và dân Gò Môn đã tích cực tiến hành phong trào phá ấp chiến lược đi đôi với phong trào phát triển chiến tranh du kích. Dân quân Gò Môn đã tiến hành nổi dậy diệt ác, phá kềm, giành quyền làm chủ khắp các địa phương trong quận, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

Vào ngày 12/11/1964, tại vùng căn cứ cách mạng xã Trung An (nay thuộc huyện Củ Chi) đã ghi lại một sự kiện lịch sử rất thương tâm. Do có kẻ chỉ điểm nên Mỹ - Ngụy đã tập trung một lực lượng lớn gồm xe tăng, thiết giáp đánh vào căn cứ cách mạng thuộc ấp An Bình, xã Trung An. Trong trận càn này, do chúng bất ngờ tấn công, ta rơi vào thế bị động nên chưa chủ động đối phó kịp thời, lựa chọn phương án rút xuống địa đạo ẩn náo. Địch phát hiện ra miệng hầm, chúng dùng thuốc nổ ném xuống địa đạo; tất cả chiến sĩ Trung đội Gò Môn và khoảng 60 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào xã Trung An đã hy sinh dưới lòng địa đạo. Sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ, đồng bào là sự mất mát to lớn nhưng cũng chính là động lực, là sức mạnh cho nhân dân ta tiêu diệt kẻ thù, đem lại thanh bình cho quê hương đất nước.

Do yêu cầu phát triển cách mạng, đến giữa năm 1965, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định quyết định thành lập Phân khu Gò Môn gồm quận Gò Vấp, Hóc Môn và một số xã của Củ Chi. Từ đầu năm 1966 đến đầu năm 1967, mỗi tháng quân và dân Gò Môn đã đánh trên 20 trận chống càn của địch với quy mô từ cấp đại đội trở lên.

Cuối năm 1967, Phân khu Gò Môn giải thể. Quận Gò Môn được thành lập lại gồm 19 xã. Đến đầu năm 1969, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển biến mau lẹ của tình hình chung, Khu ủy Phân khu I đã quyết định giải thể quận Gò Môn, điều chỉnh lại các xã và chia Gò Môn thành 4 quận để dễ chỉ đạo cho phù hợp với chiến trường chia cắt.

Có thể nói, dù chỉ hình thành và phát triển trong giai đoạn khoảng 9 năm (1961 – 1969), nhưng Đảng bộ và Nhân dân Gò Môn đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt, lập nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Theo nguyện vọng của đông đảo chiến sĩ, đồng bào đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Gò Môn năm xưa, được Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở Văn hóa – Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) chấp thuận, Ủy ban nhân dân 3 quận - huyện: Hóc Môn, Gò Vấp và Củ Chi đã tiến hành xây dựng và làm lễ khánh thành Bia Tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Trung đội Gò Môn vào ngày 27/7/1991. Bia được thiết kế theo dạng hình vòng cung, cao khoảng 3,5m; ở giữa phía trên có ngôi sao vàng 5 cánh và dòng chữ in lớn “TỔ QUỐC GHI CÔNG”. Phía dưới khắc ghi tên tuổi của các cán bộ, chiến sĩ Trung đội Gò Môn hy sinh trong trận chiến ngày 12/11/1964.

Để lưu lại “di tích lịch sử” cũng như làm điểm tựa, bệ phóng cho thế hệ hôm nay hiểu biết hơn về truyền thống lịch sử vùng đất Gò Môn, cũng như những chiến công của các chiến sĩ Gò Môn đã hy sinh để bảo vệ quê hương, năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi đã chủ trương sửa chữa, cải tạo Bia Tưởng niệm Trung đội Gò Môn trên khu đất có diện tích gần 5.200 m2, bao gồm 6 hạng mục: khu vực Bia tưởng niệm; nhà 5 gian; khu vực vịnh đậu xe, sân, lối đi; cổng, hàng rào, bồn hoa, cây xanh; nhà vệ sinh và hệ thống điện nước với tổng mức đầu tư trên 9,5 tỷ đồng.

Hàng năm, vào các dịp lễ, tết hoặc trước các cuộc họp mặt Truyền thống Gò Môn, Đoàn Dân Quân Chính Đảng của các quận, huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp và Quận 12, cùng thân nhân các liệt sĩ Gò Môn và người dân khắp nơi đều về đây để thắp hương, tưởng nhớ đến công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ Trung đội Gò Môn đã hy sinh vì nền độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. Nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau ra sức xây dựng, bảo vệ quê hương giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của lớp cha anh ngày trước.

Truyền thống Gò Môn với những trang sử hào hùng, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Củ Chi nói riêng, của Đảng bộ và Nhân dân Quận 12, Gò Vấp, Hóc Môn nói chung. Đây sẽ mãi là một dấu ấn sâu sắc, một điểm son chói lọi trong bản anh hùng ca cách mạng, góp phần làm sáng ngời chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc ta. Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Gò Môn năm xưa mãi là tấm gương, là phẩm chất sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo.

Hồng Thắm

 


Số lượt người xem: 1066    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm