LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
6
5
2
8
Tin tức 25 Tháng Tám 2016 8:05:00 SA

Mô hình trồng trà xanh kết hợp trồng cau, dừa, măng cụt mang lại hiệu quả kinh tế cao

Được sự giới thiệu của Hội nông dân xã Bình Mỹ, chúng tôi đến nhà anh Tô Thạnh ấp 5 xã Bình Mỹ. Anh làm giàu nhờ chuyển đổi từ mô hình trồng sen kém hiệu quả sang trồng măng cụt, trà xanh, dừa, cau mang lại thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Gia đình anh Tô Thạnh đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh vườn thửa ruộng của mình.

 

Năm 2009, gia đình anh Thạnh đã cải tạo 4.700 m2 đất ruộng trồng cỏ và sen không hiệu quả sang lập vườn và trồng cây ăn trái. Sau một thời gian suy tính anh quyết định chọn trồng 100 cây măng cụt. Do cây măng cụt đến hơn 10 năm mới có thu hoạch, anh nghĩ suốt 10 năm liền không có thu nhập thì đời sống gia đình anh sẽ gặp không ít khó khăn. Vậy là anh đã tìm tòi, thấy nhu cầu tiêu thụ trà xanh trên thị trường rất cao đặc biệt là người dân Thành phố, mà nguồn cung cấp chủ yếu là các tỉnh khác mang đến. Điều anh đắn đo nhất là do đất mới cải tạo, tỷ lệ sống của cây sẽ thấp, nhưng anh Thạnh cũng quyết chọn trồng trà xanh trong vườn măng cụt của mình. Để bắt đầu trồng anh đã mua phân bò để đổ lên trên nền đất cải tạo, do cây trà xanh chuộng mát nên anh đã đầu tư màng lưới che mát cho cây. Nhưng về lâu dài sẽ tốn nhiều chi phí nên anh quyết định trồng thêm 550 cây cau, 100 cây dừa trồng dọc theo các mép mương của các giồng đất để che mát cho 3.000 cây trà xanh. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu gồm mua cây giống, phân bò, tiền công lên luống, hệ thống tưới là hơn 100 triệu đồng. Nhưng theo anh tính toán, nếu cây trà phát triển tốt thì chỉ trong vòng 2 - 3 năm sẽ lấy được vốn, đồng thời tạo được việc làm ổn định cho anh từ đó gia đình sẽ có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống. Sau hơn một năm trồng và chăm sóc 3.000 cây trà xanh còn sống hơn 2.500 cây và cho thu hoạch. Những chỗ cây chết anh trồng xen lại và trồng thêm cây đinh lăng.

 

Anh Thạnh cho biết: khi trà xanh lớn và thu hoạch thì có người đến cắt và thu mua với giá 10.000đ – 15.000 đồng ký, mỗi lần cắt từ 1,5 – 2 tấn, mỗi năm cắt 3 lứa trung bình mỗi lần cắt từ 20 – 25 triệu đồng, anh không phải cắt ra chợ bán.

Đến năm thứ 3 thì cau và dừa cũng mang lại thu thập cho gia đình anh Thạnh. Vườn cau cho thu hoạch với tổng số tiền 40.000.000 đồng/1 năm, còn dừa thì thu hoạch theo lứa, một năm từ 3 – 4 lứa với số tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng. Tổng thu nhập hiện nay là trên 150.000.000 đồng/năm.

Anh Thạnh cho biết: “Nếu làm hoàn chỉnh thì cho thu nhập còn cao hơn, một tháng không có làm gì nhiều, chỉ cần xịt thuốc cỏ 1 lần. Phân bón một năm bón 2 lần vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa khoảng 4 – 5 triệu đồng, phân chuồng 2 năm vô 1 lần khoảng 2 triệu nên rất nhàng”.

Hiện tại anh đang trồng thử cây đinh lăng xen chỗ những cây trà chết. Nếu thích hợp anh sẽ trồng xen vào vườn trà. Anh cho biết hiện nay nhu cầu mua cây đinh lăng làm thuốc, gối nằm cho em bé, cắm hoa là rất lớn mà thị trường không đáp ứng đủ. Anh cho biết thêm nếu có nhiều người trồng cây đinh lăng, anh sẽ đứng ra thu gom để bán lại cho công ty.

Nhờ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng trà xanh, đến nay kinh tế gia đình anh Thạnh đi vào ổn định, xây dựng được nhà tường kiên cố, đầy đủ tiện nghi, nuôi các con khôn lớn, nên người. Nhiều năm liền, anh Thạnh được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố, cấp huyện. Anh Thạnh xứng đáng là tấm gương sáng về phong trào nông dân sản xuất giỏi, phát huy tính năng động, sáng tạo của người nông dân trong quá trình hội nhập hiện nay, đáng để nhiều người học hỏi, làm theo.

THANH AN


Số lượt người xem: 2591    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm