LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
4
8
7
4
2
2
TIN TỨC SỰ KIỆN 22 Tháng Sáu 2011 9:35:00 SA

SÁNG MÃI PHẨM CHẤT NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ

Trong cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, không ít người con thân yêu của Củ Chi đã nằm sâu dưới lòng đất mẹ. Và có những người con đã phải để lại nơi chiến trường xưa một phần xương thịt của mình để giành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Họ là những thương binh đang từng ngày, từng giờ phải chịu nhiều nỗi đau của vết thương chiến tranh để lại mỗi khi trái gió trở trời. Thế nhưng ở họ luôn sáng lên tinh thần vượt khó, luôn xứng đáng là những “thương binh tàn nhưng không phế”, góp phần xây dựng địa phương ngày một phát triển.

 

Trong cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, không ít người con thân yêu của Củ Chi đã nằm sâu dưới lòng đất mẹ. Và có những người con đã phải để lại nơi chiến trường xưa một phần xương thịt của mình để giành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Họ là những thương binh đang từng ngày, từng giờ phải chịu nhiều nỗi đau của vết thương chiến tranh để lại mỗi khi trái gió trở trời. Thế nhưng ở họ luôn sáng lên tinh thần vượt khó, luôn xứng đáng là những “thương binh tàn nhưng không phế”, góp phần xây dựng địa phương ngày một phát triển.
Nghị lực thoát nghèo:
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1969, chú Nguyễn Văn Tý (thương binh 4/4 cư ngụ ấp Bình Thượng 1, xã Thái Mỹ) tham gia làm du kích mật khi mới 19 tuổi. Đến năm 1970 làm du kích xã và bị biệt kích nghĩa quân ở ruộng làng đánh bị thương. Năm 1973 – 1977, chú được chuyển về làm giao liên cho xã. Từ năm 1977 – 1987, chú làm phó công an xã. Năm 1987, vì sức khỏe yếu nên chú trở về với gia đình.
Nhớ về khoảng thời gian 1987 khi trở về với cuộc sống đời thường, chú Tý bộc bạch: “Cuộc sống lúc này rất khó khăn chỉ có 35 cao ruộng cha mẹ cho, tôi trồng luân phiên mỗi năm một vụ lúa, một vụ đậu phộng. Vợ tôi đan đát kiếm thêm thu nhập trang trải trong gia đình. Làm lụng vất vả vẫn không đủ ăn”.
Năm 1989, chú được địa phương xây tặng căn nhà tình nghĩa để an cư lạc nghiệp. Với ý chí thoát nghèo, chú mạnh dạn vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 2,5 triệu đồng vào năm 1994, cộng thêm số vốn được bà con làng xóm giúp đỡ cho mượn thêm, chú mua 2 con trâu để sinh sản. Với sự cần cù chịu thương chịu khó cộng với bản chất người lính Cụ Hồ không hề chùn bước trước khó khăn của cuộc sống, vợ chồng chú đã từng bước vươn lên. 2 con trâu của chú mỗi năm đẻ ra hai con nghé. Chú nuôi nghé lớn bán để tích lũy vốn, dần dần chú đã trả hết nợ và sửa chữa lại nhà cửa. Năm 2000, gia đình chú thoát nghèo vượt ra khỏi chương trình. Năm 2009, Hội chữ thập đỏ huyện hỗ trợ cho 10 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản. Cuộc sống gia đình chú lại có điều kiện làm ăn khấm khá hơn. Chú tận dụng 35 cao ruộng để trồng cỏ chăn nuôi trâu và bò, vợ chú đan đát giỏ xuất khẩu tăng thêm thu nhập. Hiện nay, chú đang nuôi 4 con trâu, 01 con nghé và một con bò sinh sản, cuộc sống gia đình tương đối ổn định.
Với 61 tuổi đời chú Tý đã hơn 30 năm tuổi Đảng, ngoài việc chăm lo kinh tế gia đình, chú còn tham gia tích cực vào công tác xã hội, chú đang đảm nhiệm tổ phó tổ nhân dân ấp Bình Thượng 1. Chú tâm sự “Là một đảng viên, tôi luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng tại địa phương, mình phải thực hiện trước thì mới vận động thuyết phục được bà con nhân dân”. Điển hình như địa phương phát động nhiều phong trào xây dựng xã văn hóa, xã nông thôn mới là tất cả nhà cán bộ đảng viên phải có trụ cờ bằng sắt, có 03 công trình vệ sinh, đăng ký thu gom rác.v.v… Gia đình chú đã tham gia tích cực các phong trào này.
Vượt nghèo chính đáng:
Đó là tiêu chí phấn đấu của thương binh 2/4 Biện Văn Tửng cư ngụ tại ấp Đồng Lớn xã Trung Lập Thượng.
Tiếp chuyện với chúng tôi trong căn nhà khá khang trang, chú bồi hồi nhớ lại: “Năm tôi 18 tuổi, tôi tham gia mặt trận 479 làm nhiệm vụ quốc tế nước bạn Campuchia. Tôi bị thương nặng, mất một cánh tay trong một trận đánh với địch. Sau 1 năm nằm viện, tôi phục viên trở về địa phương. Sau đó lập gia đình, 4 đứa con lần lượt ra đời. Hoàn cảnh lúc bấy giờ phải nói rất khó khăn”. Khó khăn trong việc mưu sinh kiếm sống hàng ngày là vậy, nhưng với ý chí không chịu khó khăn gian khổ, chú đã lựa chọn cách thức vượt nghèo phù hợp từ mảnh đất 2000m2 do cha mẹ để lại. Bằng biện pháp thâm canh tăng vụ, chú vừa trồng lúa, đậu phộng và các loại rau màu vừa kết hợp chăn nuôi heo, bò sinh sản. Nhờ tính siêng năng, chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi sản xuất, mô hình làm ăn của chú đã mang lại hiệu quả. Gia đình chú đã ra khỏi chương trình giảm nghèo tăng hộ khá vào năm 2010 vừa qua với mức thu nhập 15 triệu đồng/người/năm. Nhiều năm liền, chú đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Các con của chú được học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định.
Không những cần cù, chịu thương chịu khó vượt qua khó khăn đưa gia đình vượt nghèo chính đáng, chú còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Chú được tín nhiệm bầu làm tổ phó tổ an ninh, chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu quân nhân, Ban đại diện chính sách xã, tổ trưởng tổ vay vốn ngân hàng chính sách của Hội cựu chiến binh xã. Dù ở bất cứ vị trí nào, chú cũng nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được huyện và xã tặng nhiều giấy khen.
Thất bại nhưng không nản chí:
Là phương châm giúp chú Lê Văn Đạt (thương binh ¼, ở ấp 4A, xã Tân Thạnh Đông) có điều kiện vươn lên thoát nghèo, nuôi dạy con cái thành đạt, xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc.
Tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từ năm 1983 và trực tiếp làm ở bộ phận thông tin vô tuyến điện, trong một lần đang làm nhiệm vụ vào năm 1986, bị địch cắt dây nổ mìn, chú bị thương ở mắt và cả 2 chân. Sau đó, chú được đưa về điều trị tại bệnh viện 7C (quận Thủ Đức). Năm 1987, chú được đưa về an dưỡng tại khu an dưỡng Phước Bình (quận Thủ Đức). Đến năm 1991, khi khu an dưỡng bị giải tỏa, gia đình chú được cấp một căn nhà nhỏ ở quận Tân Bình, hằng ngày, chú phải chạy xe ôm kiếm sống và nuôi cả gia đình. Xứng đáng với lời Bác dạy, người thương binh tàn nhưng không phế này vẫn ngày ngày chạy xe ôm để lo cho cả gia đình, với vết thương hoành hành đi đứng lại khó khăn, mức sống ờ thành thị lại khá cao, cuộc sống của cả gia đình 4 người càng chật vật hơn, chỉ trong chờ vào những đồng tiền ít ỏi từ việc chạy xe ôm của chú. Sau hơn 10 năm, gia đình chú quyết định bán nhà trở về quê nhà ở xã Tân Thạnh Đông.
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, chú mạnh dạn đầu tư nuôi ếch Thái Lan để cải thiện cuộc sống gia đình. Chú mạnh dạn đầu tư gần 60 triệu đồng để xây chuồng trại, đầu tư mua con giống và thức ăn. Thế nhưng may mắn lại không đến với gia đình chú. Do thiếu kinh nghiệm trong nghề nuôi ếch nên trong lần thu hoạch đầu tiên, chú đã lỗ đến 11 triệu đồng. Không nản chí, chú mạnh dạn gom góp hết số tiền còn lại của gia đình, mạnh dạn tiếp tục đầu tư thêm 20 triệu đồng để tiếp tục nuôi ếch. Trời không phụ lòng người, sau khi trừ đi hết chi phí, chú lãi được 5 triệu đồng từ lần thu hoạch thứ hai. Chú chia sẻ: “Thất bại của lần thu hoạch đầu tiên đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc lựa chọn con giống và thức ăn cho ếch. Nhờ sự động viên của vợ và các con, tôi có thêm nghị lực để tiếp tục thực hiện mô hình chăn nuôi ếch của mình”. Cũng theo chú Đạt thì 1 năm, chú thu hoạch từ 2 đến 3 đợt. Mỗi đợt chú lãi khoảng 20 triệu đồng. Tuy không nhiều nhưng cũng giúp chú trang trải trong gia đình. Các con ăn học thành tài, gia đình hạnh phúc, cuộc sống ngày được cải thiện chính là niềm vui lớn nhất của chú.
Có thể nói, dù phải chịu nhiều đau thương mất mát, phải chịu nhiều vết thương đau đớn do hậu quả chiến tranh để lại nhưng các thương binh đã vững vàng vượt qua tất cả mà không ỷ lại trông chờ vào sự trợ cấp của Nhà nước. Họ luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn ra sức phấn đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Không chỉ vượt nghèo làm giàu chính đáng mà họ còn gương mẫu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, tham gia giữ nhiều trọng trách quan trọng ở địa phương. Họ luôn sáng mãi phẩm chất của người lính Cụ Hồ.
 
BÀI & ẢNH: NGỌC SANG – QUANG THẾ – HỒNG THẮM

Số lượt người xem: 7790    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm